TS. BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, cho biết như trên tại lễ Tôn vinh người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022, ngày 29/10. Đây là lần thứ ba chương trình được tổ chức nhằm tri ân những người hiến tiểu cầu đối với ngành y tế và sự sống của người bệnh.

Thống kê của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy số ca sốt xuất huyết tăng nhanh trên địa bàn kể từ đầu tháng 10. Hiện mỗi tuần Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca sốt xuất huyết mới, cao nhất kể từ đầu năm tính theo tháng, 12 trường hợp tử vong liên quan bệnh này.

Giảm tiểu cầu là một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Mới đây, một bệnh nhân nam 57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, bị sốt xuất huyết, tiểu cầu về mức 0 G/l, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Bệnh nhân phải truyền dịch để tăng cô đặc máu, cầm máu, truyền khối tiểu cầu được cung cấp từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Sau gần một tuần điều trị, tiểu cầu của bệnh nhân tăng lên 146 G/l, đạt mức bình thường, sức khỏe ổn định.

Tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Ngoài ra, tiểu cầu còn làm cho thành mạch mềm mại, dẻo dai nhờ chức năng tiểu cầu làm "trẻ hóa" tế bào nội mạc. Đời sống của tiểu cầu khoảng 7-10 ngày.

Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng dưới 150G/l bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu). Các nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy.

-8188-1667034690.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uYq2HI9-xXP7GjfId22Zdg

Người hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ngày 29/19. Ảnh: Thanh Hằng

Bác sĩ Quế cho biế, tiểu cầu được truyền cho người bệnh có từ hai nguồn. Thứ nhất là điều chế từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng và phải gộp 3-4 đơn vị hiến máu để được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Thứ hai là gạn tách tiểu cầu từ một người hiến.

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu từ một người hiến bắt đầu được triển khai từ năm 2000. Những năm đầu, Viện chỉ tiếp nhận được vài chục đơn vị tiểu cầu, dần dần lên con số vài nghìn. Giai đoạn năm 2000-2010, Viện tiếp nhận được hơn 11.000 đơn vị khối tiểu cầu gạn tách, giai đoạn 2011-2020 hơn 222.000 đơn vị (tăng 20 lần so với 10 năm trước).

Năm 2022, tính đến ngày 28/10, Viện đã tiếp nhận được gần 25.000 đơn vị tiểu cầu từ gần 8.200 người hiến (trung bình mỗi người hiến ba lần). Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của Viện đã giúp cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Ông Quế đánh giá tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn hàng năm; có những người đã hiến hơn 100 lần.

Theo bác sĩ Quế, dù tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45 đến 120 phút với hiến tiểu cầu, thay vì 5 phút khi hiến máu), nhưng hàng nghìn người vẫn bền bỉ, đều đặn trao đi sự sống. "Có những người hiến tiểu cầu tới 13-14 lần trong năm mỗi khi đến lịch", bác sĩ Quế nói và thêm rằng người hiến tiểu cầu ba tuần có thể hiến lại.

Như chị Lê Thị Ngân 48 tuổi, ở Hà Nội, là một trong 20 người được nhận giấy khen của Viện về hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2022. Chị đã hiến tổng cộng 67 lần, riêng năm nay hiến 12 lần. "Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại. Tôi hy vọng những giọt máu, tiểu cầu của mình sẽ góp phần cứu sống những người bệnh đang ngày giờ phải vật lộn với nỗi đau bệnh tật", chị Ngân nói và thêm rằng sẽ "hiến máu đến khi nào bác sĩ không cho hiến nữa thì thôi".

Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật mà hiện chỉ một số Trung tâm máu lớn mới thực hiện được. Do vậy, nhiều người từ Nam Định, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, thậm chí Cao Bằng, Lạng Sơn... cũng sẵn sàng di chuyển xa về Hà Nội để hiến tiểu cầu thường xuyên.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn là 3-5 ngày. "Tôi hy vọng mọi người có thể cùng nhau hiến tiểu cầu để đáp ứng nhu cầu điều trị, cứu sống bệnh nhân cần tiểu cầu, đặc biệt là trong dịch sốt xuất huyết như hiện nay", bác sĩ Quế nói.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022