Ngày 29/10, bác sĩ Nguyễn Doãn Thái Hưng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Quân y 175, cho biết lúc vào viện, bệnh nhân sốc, lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp tụt kẹt (hiệu số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương dưới 20 mmHg). Người bệnh bị chèn ép tim cấp, sốc mất máu do vết thương tim, cùng nhiều vết thương ở cánh tay trái, lưng trái, hàm mặt.

-6770-1667032017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Z7K7tpVKwzqaV05iLpY4Yg

Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 phẫu thuật tim cho bệnh nhân. Ảnh: Chính Trần

Kíp trực kích hoạt báo động đỏ, các bác sĩ nhiều chuyên khoa nhanh chóng phẫu thuật cho bệnh nhân, giải phóng chèn ép tim, lấy ra khoảng nửa lít máu không đông và 100 ml máu đông. Sau khi kiểm tra tổn thương, kíp mổ khâu vết thương tim, lấy khoảng 300 ml máu đông khoang màng phổi trái, đồng thời khâu vết thương hàm mặt, tay, lưng.

Theo bác sĩ Hưng, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và xử trí cấp cứu kịp thời khoảng 6-10 trường hợp bị tổn thương tim. Trường hợp này nhờ xử trí sớm trong vòng 25 phút nhập viện, bệnh nhân hồi phục tốt, rút nội khí quản sau mổ hai giờ.

"Vết thương tim là một cấp cứu tối khẩn cấp trong ngoại khoa, được ưu tiên số một trong chẩn đoán, vận chuyển và xử trí", bác sĩ chia sẻ. Nếu bệnh nhân còn sống khi đến viện thì việc chẩn đoán không quá khó và phẫu thuật khâu vết thương tim kịp thời cứu sống trên 90% số bệnh nhân.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022