Từ đầu năm đến nay, số mắc và tử vong vì bệnh dại lại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023). Miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (37,8%), tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên (24,4%), miền Trung (13,4%).
TS Hoàng Minh Đức, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa Hè, tập trung vào tháng 8 - 9 trong năm. Tuy nhiên, năm nay, sự gia tăng đột biến xảy ra vào 2 tháng đầu năm.
Có thể lý giải sự gia tăng các ca bệnh dại trên người có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 và đặc biệt từ đầu năm 2024 đến nay. Nguyên nhân gây tử vong cao là do 100% số ca tử vong dại không đi tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm muộn hoặc tiêm không đúng chỉ định.
Sau 2 năm bị chó cắn, người phụ nữ ở Kon Tum nghi mắc bệnh dại
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại khiến khoảng 70 người chết mỗi năm dù đã có vắc-xin cho người và động vật. Bệnh dại là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm. 60/63 tỉnh có bệnh dại trong 10 năm gần đây, tiêu tốn 800 tỷ đồng/năm chỉ riêng cho vắc-xin và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp.
Một thực tế hiện nay là người dân e ngại khi tiêm vắc-xin phòng dại có nhiều tác dụng phụ. Điều đó dẫn đến việc người dân sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận.
Một nguyên nhân nữa là người bị chó cắn không có tiền để đi tiêm phòng dại, đặc biệt là hộ nghèo, người dân sinh sống vùng sâu, vùng xa, giá tiêm vắc-xin dại tương đối cao từ 1,2 - 1,5 triệu/liệu trình.
Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người. Công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người.
Trẻ em là nhóm dễ bị chó, mèo, vật nuôi, các động vật hoang dã tấn công và nguy cơ mắc bệnh dại cao hơn. Lý do, trẻ em có bản tính hiếu động, tò mò với thế giới xung quanh, có xu hướng tương tác gần gũi, nghịch ngợm, trêu chọc các loài vật và phát sinh hành động mang tính chất vô tình hoặc cố ý hù dọa động vật như đùa giỡn, khiêu khích, đá mông, kéo/đạp đuôi hoặc tiếp xúc ở khoảng cách gần với chó lạ.
Thêm vào đó, trẻ em có cơ thể thấp bé nên khi bị động vật tấn công thường sẽ bị thương và xuất hiện vết cắn, cào ở gần vùng thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, khiến thời gian ủ bệnh ngắn, diễn tiến phát bệnh và tử vong nhanh.
Mặt khác, trẻ em còn tương đối nhỏ để biết đến và nhận thức về mức độ nghiêm trọng của bệnh dại. Trẻ cũng có thể lo sợ phụ huynh la mắng và trừng phạt nên thường có xu hướng giấu giếm vết thương, không thông báo cho gia đình, làm lỡ mất cơ hội điều trị dự phòng dại sau phơi nhiễm từ sớm, nguy cơ cao đối diện với tình huống nguy kịch.