Trong một bài báo đăng trên Wasshington Post, tác giả Puja Changoiwala đã chia sẻ về các trường hợp dậy thì sớm ở các bé gái. Đáng nói hơn, trong thời gian Covid-19, số trường hợp bé gái dậy thì sớm lại càng tăng lên nhiều.
Trước đại dịch, Vaishakhi Rustagi, một bác sĩ nội tiết nhi khoa có trụ sở tại Delhi (Ấn Độ), phát hiện ra rằng các trường hợp dậy thì sớm khá ít gặp, nhưng không phải là chưa từng có. Trong một năm, trung bình cô gặp khoảng 20 bệnh nhi như vậy.
Sau đó, đại dịch ập đến, và các trường hợp dậy thì sớm tăng lên đáng kể. Kể từ tháng 6/2020, Rustagi đã khám cho hơn 300 bé gái trải qua dậy thì sớm.
Dậy thì sớm đôi khi được gây ra bởi các hội chứng di truyền, tiền sử gia đình, các vấn đề về hệ thần kinh trung ương và các khối u; sự phát triển trên buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc não.
Hiện tượng gia tăng các trường hợp dậy thì sớm trong đại dịch không chỉ xuất hiện ở Ấn Độ. Các bác sĩ nhi khoa trên khắp thế giới, từ Ý, Thổ Nhĩ Kỳ đến Hoa Kỳ cũng đều báo cáo sự gia tăng các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ tại các quốc gia này.
Khi Khyati (tên đã được thay đổi), một bà mẹ nội trợ 38 tuổi ở Mumbai, lần đầu tiên nhận thấy vết máu trên váy của con gái mình vào tháng 1 năm ngoái, cô cho rằng đứa trẻ bị thương khi đang chơi. Con bé mới hơn 8 tuổi, cô không tin rằng con gái mình có thể bắt đầu có kinh nguyệt.
Khyati đã bảo con gái đi thay quần áo và kiểm tra xem có bị trầy xước gì không. Thế nhưng, con gái cô quay lại khóc với mẹ khi mà máu thấm ướt chiếc váy khiến bé rất sợ hãi. "Trong vài ngày tiếp theo, cô bé trở nên xa cách, hạn chế không tiếp xúc với gia đình và khóc không ngừng", Khyati nói. Ngày càng lo lắng, Khyati đã đưa con đến một bác sĩ nội tiết nhi khoa, và biết rằng con gái cô, một học sinh lớp hai, thực sự đang có kinh nguyệt lần đầu tiên.
Trước đó, khi nhận thấy con gái mình đang phát triển ngực, Khyati đã phớt lờ đi vì cho rằng con còn quá nhỏ, chưa thể dậy thì được. Thậm chí cô còn muốn chờ con lớn hơn một chút mới nói với con về kinh nguyệt. Thế nhưng, tin này đã khiến cô bé quá sốc và cả nhà phải vất vả lắm mới làm dịu được những trận khóc của bé. "Con bé còn chưa nói với bạn bè về việc này, cũng may mà có lệnh phong tỏa không phải đi học chứ nếu không bé sẽ rất xấu hổ", Khyati nói.
Trong khi Khyati coi việc phong tỏa là "cứu" con gái mình thì một số bác sĩ trên khắp thế giới lại cho rằng đại dịch Covid-19 cũng là yếu tố dẫn đến gia tăng các trường hợp dậy thì sớm ở bé gái.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2021 đã khảo sát trẻ em tại 5 trung tâm nội tiết nhi khoa của Ý và phát hiện ra rằng có tới 328 bé gái có dấu hiệu dậy thì sớm trong 7 tháng từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020. Cùng thời điểm này năm 2019, số bé gái dậy thì sớm chỉ là 140 bé. Nghiên cứu kết luận rằng có mối liên hệ giữa "những thay đổi lối sống liên quan đến việc phong tỏa" và tỷ lệ dậy thì sớm cao hơn ở các bé gái tại Ý, không có sự khác biệt nào ở các bé trai.
Các bác sĩ nhi khoa ở Hoa Kỳ và Ấn Độ cũng đang báo cáo các trường hợp dậy thì sớm với những bé gái trẻ từ 5 tuổi phát triển ngực và dưới 8 tuổi bắt đầu có kinh nguyệt.
Tại Delhi, Rustagi cũng tin rằng sự gia tăng các trường hợp dậy thì sớm có liên quan đến đại dịch. Trẻ em phải ở trong nhà, tiếp xúc lâu với các thiết bị điện tử, tăng tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, tăng căng thẳng và giảm hoạt động thể chất... Tất cả các yếu tố được biết là đều có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.
Nhưng BS Rustagi cho rằng phong tỏa là không phải là yếu tố duy nhất trong thời gian dịch Covid khiến các bé gái dậy thì sớm. Nhiều trẻ em phải đối mặt với những đau buồn, căng thẳng và đây cũng là tác nhân gây dậy thì sớm.
Căng thẳng tâm lý xã hội tác động đến hệ thống limbic của não. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm về cảm xúc, nơi diễn ra nhiều thay đổi ở tuổi dậy thì. Trong thời thơ ấu, não sẽ tích cực sản sinh hormone gonadotropin (GnRH) để ngăn ngừa việc sản xuất hormone ở tuyến yên như estrogen và testosterone. Hành động này cho phép trẻ trải qua thời thơ ấu không bị xáo trộn bởi hormone giới tính.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng có thể cho phép xung kích thích tố sinh dục tiết ra, khiến trẻ bắt đầu giải phóng xung kích thích tố như estrogen và testosterone, cho phép cơ thể bắt đầu phát triển.
Dậy thì sớm đang trở nên tương đối phổ biến trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng một trong số 5.000 đến 10.000 trẻ em, với tỷ lệ bé gái so với bé trai là 10:1.
Theo Rustagi, trong 90% các trường hợp dậy thì sớm ở các bé gái, nguyên nhân không bao giờ được xác định chắc chắn.
Rustagi nói: "Chúng tôi phải thực hiện tất cả các cuộc điều tra vì chúng tôi không thể gọi đó là vô căn mà không loại trừ tất cả các nguyên nhân khác. Trong một ví dụ, một bé gái 6 tuổi đã bắt đầu phát triển bộ ngực thì sẽ được chụp MRI và siêu âm bụng để kiểm tra khối u trước khi được tuyên bố là trường hợp dậy thì sớm vô căn".
Độ tuổi trung bình của sự khởi đầu của tuổi dậy thì đã giảm trong thế kỷ qua, Alok Sardesai, một bác sĩ nội tiết nhi khoa và vị thành niên ở Mumbai cho biết. Ông nói thêm rằng trong khi các yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng, thì cũng có sự tác động của các biến số môi trường - chẳng hạn như cân nặng, dinh dưỡng, thói quen ăn uống thời thơ ấu, hoạt động thể chất và các yếu tố tâm lý...
Ông chỉ ra hai yếu tố liên quan đến đại dịch có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ em gái là: Béo phì do giảm hoạt động thể chất và tăng tiếp xúc với hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) tại nhà. Sardesai nói thêm rằng ông cũng đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp như vậy kể từ tháng 3/2020.
Một nghiên cứu vào tháng 9/2021 được thực hiện ở Ý đã đặt câu hỏi liệu có đủ bằng chứng để liên kết các trường hợp dậy thì sớm đang gia tăng với tình trạng tăng cân hay không.
Một nghiên cứu gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm tra dữ liệu của tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán dậy thì sớm trong một phòng khám nội tiết nhi khoa ở Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ), cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể số lượng các trường hợp dậy thì sớm vô căn. Nghiên cứu đã so sánh dữ liệu từ năm đầu tiên của đại dịch (tháng 4/2020 năm 3/2021) với 3 năm trước đó. Nó cho thấy số trẻ em gái được chẩn đoán dậy thì sớm vô căn trong thời gian nghiên cứu một năm trong đại dịch cao hơn gấp đôi so với bất kỳ năm nào trong 3 năm trước đó.
Ở hầu hết các bé gái, dậy thì sớm dẫn đến sự phát triển của ngực và lông mu, mụn trứng cá, kinh nguyệt, thay đổi giọng nói và các đặc điểm tình dục thứ cấp khác. Ngoài ra, các bác sĩ cũng nhận thấy rằng, dậy thì sớm làm tăng thêm trầm cảm, rối loạn ăn uống, lạm dụng chất kích thích và hành vi chống đối xã hội.
Một nghiên cứu năm 2018 đã kiểm tra hậu quả tâm lý của tuổi dậy thì sớm đối với các bé gái cho thấy các bé gái bị ảnh hưởng có mức độ lo lắng cao hơn, lòng tự trọng thấp hơn và xuề xòa với cơ thể hơn so với những bé gái không trải qua tuổi dậy thì sớm.
https://afamily.vn/nguyen-nhan-khien-nhieu-gai-day-thi-som-trong-thoi-gian-dich-covid-19-20220901102140158.chn