Ngày 1/9, bệnh nhân phải nằm bất động sau ca phẫu thuật tạo hình âm đạo, tại khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E, hạn chế uống nước, truyền dinh dưỡng thay cho thức ăn bình thường.

Cô chia sẻ do không có âm đạo, không thể quan hệ tình dục, không thể mang thai nên rất mặc cảm, vợ chồng ly hôn. Vì vậy, cô đến Bệnh viện E điều trị, mong muốn xóa bỏ nỗi mặc cảm của bản thân.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, cho biết bệnh nhân mắc hội chứng không âm đạo bẩm sinh, chỉ có một phần âm hộ, không có màng trinh và khoang âm đạo.

Tuần trước, ba ê kíp phẫu thuật phối hợp đã lấy niêm mạc từ miệng tạo hình âm đạo cho bệnh nhân, với yêu cầu âm đạo đủ rộng, sâu, kích thước phù hợp. Sau khi hồi phục, bệnh nhân cần nong âm đạo trong vòng ba tháng. Sau thời gian này, cô có thể quan hệ tình dục; nếu không có bạn tình thì tiếp tục nong âm đạo thêm ba tháng nữa.

ptth0137-jpg-1662021681-5412-1662021697.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d6_ZuT9DHG5L1yMIIStBrQ

Bác sĩ Minh (ngồi, bên phải) cùng đồng nghiệp trong ca phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hội chứng không âm đạo bẩm sinh có tên khoa học là Mayer - Rokintansky - Kuster - Hauser, hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 1/200.000 người, và chưa rõ nguyên nhân. Hội chứng này thường được phát hiện ở tuổi sơ sinh hoặc dậy thì.

Bác sĩ Minh khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đặc biệt là khi các em đến tuổi dậy thì. Khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm các bất thường về cơ quan sinh sản, mà còn kiểm tra các bất thường khác của cơ thể nếu có.

*Tên nhân vật được thay đổi.

Chi Lê

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022