Dịch vụ Y tế Quốc gia cho biết GBS hiếm khi gây ra vấn đề, cứ 1.700 trẻ sơ sinh thì một trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện khả năng trẻ bị bệnh lớn hơn nhiều. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Microbiology, do tiến sĩ Francesca Gaccioli, khoa sản phụ khoa tại Đại học Cambridge, đứng đầu.
Theo dữ liệu, tỷ lệ trẻ được đưa vào khoa sơ sinh vì nhiễm trùng huyết do GBS gây ra là một trên 200. Thực tế, phụ nữ mang thai không được xét nghiệm vi khuẩn thường xuyên, chỉ phát hiện nếu có biến chứng hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
Để đưa ra kết luận, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ các công trình trước đó, tìm thấy GBS trong nhau thai của khoảng 5% phụ nữ trước khi chuyển dạ. Nhóm chuyên gia đã phát triển xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) mới để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn.
Các chuyên gia cho biết trẻ mới sinh có nguy cơ nhiễm vi khuẩn strep nhóm B chết người từ mẹ. Ảnh: PA
Theo giáo sư Gordon Smith, trưởng khoa sản phụ khoa tại Đại học Cambridge, các trường hợp GBS được phát hiện trên lâm sàng có thể là phần nổi của tảng băng biến chứng phát sinh từ bệnh nhiễm trùng này.
"Nghiên cứu nêu lên mức độ tàn phá của strep nhóm B đối với trẻ sơ sinh và tầm quan trọng của việc đo lường chính xác các ca nhiễm", Jane Plumb, đồng sáng lập tổ chức từ thiện Group B Strep Support, nhận định.
Theo nghiên cứu, số ca nhiễm trùng có thể phòng ngừa được cao gấp 10 lần so với suy nghĩ trước đây. Mỗi trường hợp đều có tác động đáng kể đến trẻ sơ sinh và gia đình các em. Các chuyên gia kêu gọi chính phủ coi vi khuẩn strep nhóm B là căn bệnh cần khai báo. Theo bà Plumb, nếu không hiểu rõ con số lây nhiễm thực sự, các bệnh viện sẽ thiếu chiến lược phòng ngừa phù hợp và hiệu quả.
Các nhà khoa học hy vọng có thể triển khai xét nghiệm siêu nhạy mới tại các bệnh viện phụ sản để sàng lọc trẻ sơ sinh ngay khi chào đời.
Thục Linh (Theo Independent)