ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết như trên tại hội thảo về già hóa dân số, ngày 23/1, thêm rằng người cao tuổi tại thành phố tăng rất nhanh từ năm 2017 đến nay, trong khi chính sách xã hội chăm sóc người già còn thiếu và yếu.

Hiện TP HCM có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm trên 12% dân số. Số người cao tuổi có xu hướng tăng dần từng năm cả về số lượng lẫn tỷ trọng và tăng nhanh đột ngột trong hai năm qua. "Thành phố đang chịu tác động sâu sắc của mức sinh giảm rất sâu, tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao", ông Trung nói.

Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với tốc độ thuộc nhóm những nước nhanh nhất thế giới. Các nước phát triển đã trải qua thời kỳ già hóa dân số và có nhiều năm chuẩn bị cho quá trình này, như Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Australia 73 năm... Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán thời gian chuyển từ giai đoạn "già hóa dân số" sang "dân số già" của Việt Nam chỉ khoảng 17-20 năm.

Tuổi thọ bình quân người Việt nói chung là 73,6, người dân TP HCM là 76,6. Mức sinh tại thành phố thấp nhất nước với 1,27 con/phụ nữ, theo Cục Thống kê năm 2023. Thống kê cũng cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt tăng nhưng số năm khỏe mạnh không cao. Trung bình một người lớn tuổi trải qua khoảng 8 năm cuối đời trong cảnh bệnh tật, đau đớn về thể xác, khổ về tinh thần, tổn thất về kinh tế, lệ thuộc vào bệnh viện, kéo theo gánh nặng cả gia đình, ngành y tế quá tải, bảo hiểm nguy cơ vỡ quỹ...

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, người cao tuổi đang đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ không thể tự chăm sóc trong sinh hoạt do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Nhiều người già không người chăm sóc, trong khi số nhà dưỡng lão tại thành phố còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu.

Năm 2013, Sở Y tế triển khai chương trình thí điểm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi. Kết quả ghi nhận hơn 51% bị tăng huyết áp, gần 15% mắc đái tháo đường, cùng nhiều bệnh nền như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, trầm cảm, rối loạn lo âu... Chương trình cũng ghi nhận nhiều người sống trong cảnh phụ thuộc, không thể tự chăm lo hoạt động sống cơ bản hằng ngày như tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển.

Lãnh đạo ngành y tế nhìn nhận hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố vẫn chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Môi trường thân thiện với người cao tuổi, các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ và mang tính lâu dài.

Hiện, TP HCM có 24 cơ sở bảo trợ và nhà dưỡng lão, cả công lập lẫn tư nhân. Rất ít người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung, chỉ hơn 0,5%, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng trong bối cảnh đất chật người đông, số cơ sở phúc lợi chăm sóc người cao tuổi tại thành phố, trung tâm dưỡng lão, bệnh viện, khoa lão dành cho người cao tuổi còn hạn chế, người cao tuổi khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những cơ sở hạ tầng đô thị như lối đi, thang máy, xe buýt... dành cho người cao tuổi cũng chưa được chú ý phát triển.

233A1542-1406-1705992803.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AaDBZBc2wxAbdXKexrt1yA

Người lớn tuổi đi dạo, tập thể dục trong công viên Tao Đàn, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thế hệ con một phổ biến, người cao tuổi ngày càng không có người chăm sóc, con cháu ít ở gần ông bà, ít giao tiếp dẫn đến dễ cô đơn, trầm cảm. Do đó, thành phố cần có những chính sách, chương trình hành động cụ thể, phối hợp nhiều ban ngành. Ở các nước phát triển, dịch vụ nhà dưỡng lão phát triển mạnh, với sự tham gia nhiều từ nhà nước, tư nhân, với nhiều phân khúc, nhiều mức giá khác nhau, đáp ứng theo tình trạng sức khỏe người cao tuổi.

Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM cho biết sẽ đề xuất mô hình thành phố thân thiện với người cao tuổi, theo các tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa, trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi, xây dựng các câu lạc bộ...

Năm 2024, thành phố khám sức khỏe miễn phí cho tất cả người cao tuổi để xác định mô hình bệnh tật, chủ động can thiệp sớm, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022