Theo nghiên cứu gần đây nhất của Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), khoảng 1 triệu người Hồng Kông bị gan nhiễm mỡ, đây là tỷ lệ cao nhất ở châu Á. Còn theo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông, gan nhiễm mỡ là một trong những căn bệnh phổ biến ở đô thị. Trong đó các nguyên nhân liên quan nhiều tới lối sống đặc biệt là uống rượu bia và ăn uống không lành mạnh.
Cụ thể, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia (NAFLD) thống kê từ 2015 đã chiếm 27,3%, trong khi tỷ lệ mới mắc hàng năm là 3,4%. Bệnh phổ biến ở nam giới gấp 4 lần so với nữ giới và phổ biến ở nhóm dân số trẻ.
Mắc gan nhiễm mỡ vì mê trái cây nhiều đường
Khi chia sẻ về các nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ, Tiến sĩ Tiêu hóa và Gan mật Qian Zhenghong (Trung Quốc) cho biết, trái cây nhiều đường cũng có thể gây bệnh. Ông đã từng tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ do ăn quá nhiều trái cây nhiều đường, trong đó một trường hợp làm ông ấn tượng.
Ảnh minh họa
Đó là một người phụ nữ họ Wang (tên họ của nhân vật đã được thay đổi), ở tầm tuổi trung niên. Bà tìm đến Khoa Tiêu hóa và Gan mật tụy của Tiến sĩ Qian bởi vì thấy bụng của mình có vẻ to lên đi kèm khó chịu ở vùng bụng trên bên phải, nước tiểu đột nhiên đổi sang màu vàng đậm.
Ngay khi khám sơ bộ, Tiến sĩ Qian đã nhận thấy bệnh nhân có các dấu hiệu của gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, bà Wang cho biết mình không hề bị tăng cân, bà cũng rất chú ý đến ăn uống và còn chăm chỉ đi dạo mỗi tối sau bữa ăn. Nhưng kết quả siêu âm gan và xét nghiệm máu cho thấy bà bị gan nhiễm mỡ ở mức độ nhẹ, nồng độ mỡ máu cũng cao hơn một chút so với mức bình thường.
Điều tra bệnh sử chỉ ra bà Wang có nhiều thói quen ăn uống lành mạnh nhưng lại ăn quá nhiều một loại thực phẩm mà bà cho là tốt. Bà kể lại, từ thời con gái bà đã không bao giờ uống rượu bia, cũng rất ít khi động tới nước ngọt có ga. Khi bước qua tuổi 40, bà lại càng chú tâm hơn đến chế độ ăn uống. Cụ thể, bà gần như không ăn thịt đỏ, chế độ ăn ít muối, ít dầu mỡ, không ăn đồ cay nóng nhiều và chủ yếu là ăn rau củ quả.
Tuy nhiên, bà Wang không bao giờ ngờ tới sở thích mê trái cây ngọt của mình lại gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Biết trái cây tốt cho sức khỏe và làm đẹp nên bà ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, thậm chí còn dùng để ăn vặt. Ngoài trái cây tươi còn thích ăn mứt trái cây, trái cây và rau củ sấy khô, đổi vị bằng nước ép hoặc sinh tố trái cây. Nhưng những loại trái cây mà bà thích và ăn mỗi ngày lại là xoài chín, nho, anh đào, lê, dưa hấu, chuối…
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Qian giải thích, đó toàn là các loại trái cây có chỉ số đường huyết cao hay nói dễ hiểu là chứa nhiều đường. Đường là nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất cho cơ thể. Trong khi đường glucose là năng lượng chính, trực tiếp dùng để nuôi các tế bào, thì đường fructose (có trong trái cây) lại cần gan xử lý trước khi được cơ thể sử dụng.
Trong khi đó, gan là cơ quan duy nhất của cơ thể có khả năng chuyển hóa fructose thành glucose. Khi có một chế độ ăn nhiều calo và fructose, gan sẽ bị quá tải và bắt đầu chuyển hóa fructose thành chất béo (chính là tăng mỡ máu). Vì thế, ăn nhiều đường fructose từ hoa quả sẽ gây lắng đọng chất béo trong gan, có khả năng dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tăng mỡ máu.
Cách ăn trái cây tốt cho sức khỏe và phòng gan nhiễm mỡ
Tiến sĩ Qian cảnh báo rằng gan nhiễm mỡ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Bao gồm xơ gan, viêm gan, ung thư gan, bệnh tim mạch, ung thư trực tràng, loạn dưỡng mỡ, loãng xương…
Với trường hợp của bà Wang, may mắn là bà đã phát hiện và điều trị gan nhiễm mỡ sớm, khi mới ở giai đoạn nhẹ. Ngoài dùng thuốc, bà cũng thay đổi chế độ ăn uống, giảm lượng và cách lựa chọn trái cây, tăng cường tập luyện thể dục thể thao. Chỉ sau chưa đầy 1 năm, khi quay lại gặp Tiến sĩ Qian trong 1 lần tái khám bà đã giảm tới 10kg trọng lượng. Không chỉ có thân hình săn chắc hơn, trạng thái tinh thần tốt hơn mà bệnh gan nhiễm mỡ của bà cũng đã “biến mất”.
Nhân đây, Tiến sĩ Qian cũng muốn nhắc nhở tất cả mọi người về một số lưu ý khi ăn trái cây để tốt cho sức khỏe, phòng gan nhiễm mỡ cũng như nhiều bệnh lý khác. Cụ thể, ông khuyến cáo mỗi ngày 1 người trưởng thành chỉ nên ăn khoảng 400g trái cây. Con số này không nhiều, tương đương 1 quả xoài loại vừa, 8-10 quả nhãn hoặc vải.
Loại trái cây ăn hằng ngày cũng không nên lựa chọn loại quá ngọt. Đặc biệt là nên ăn trái cây khi chín tới thay vì để chín quá hay chín nẫu vì sẽ càng nhiều đường hơn, nhất là đối với chuối hay xoài. Cũng nên ưu tiên ăn trái cây tươi hơn là sấy khô, làm mứt… Với trái cây tươi, nên ăn cả quả thay vì dùng ép nước hay làm sinh tố.
Ảnh minh họa
Bởi vì khi ăn cả quả, chúng ta sẽ được bổ sung chất xơ, làm cản trở hấp thu đường. Nhưng nếu ép nước chỉ còn lại đường, thúc đẩy quá trình hấp thu nhanh. Hơn nữa, khi ép nước, chúng ta không tính được lượng hoa quả nạp vào. Một số người cũng thường có xu hướng thêm đường cho ngon hơn, dễ uống hơn khi làm sinh tố, nước ép nên sẽ không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, thời điểm trái cây cũng rất quan trọng. Nhiều người thường dùng trái cây làm món tráng miệng nhưng điều này thực tế là phản khoa học. Nó không chỉ khiến bạn không tận dụng được tối đa dinh dưỡng trong trái cây mà còn dễ làm tăng lượng đường trong máu, dễ gây tăng cân và nhiều rối loạn khác. Thay vào đó, hãy ăn trái cây trước bữa chính khoảng 1 - 2 tiếng hoặc dùng làm bữa ăn nhẹ, bữa phụ nhé!