
GĐXH - Các bác sĩ nhận định, đây là một ca phẫu thuật đầy thách thức khi sản phụ lớn tuổi vừa mang thai to vừa có nhiều khối u xơ lớn chèn ép tử cung.
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ, vừa qua, các bác sĩ nói đây đã tiếp nhận bệnh nhân H.T.T.H (45 tuổi, Phú Thọ) nhập viện vào trong tình trạng đau tức bụng dưới, ra máu âm đạo nhiều.
Chị H cho biết có tiền sử u xơ tử cung phát hiện cách đây 2–3 năm nhưng do kích thước nhỏ, chưa ảnh hưởng nhiều nên được hướng dẫn theo dõi chưa có chỉ định can thiệp điều trị.
Khoảng 4-5 tháng gần đây, chị H có sử dụng một số loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, sau đó nhận thấy bụng to nhanh bất thường, đau tức bụng dưới, sờ thấy khối cứng chắc.

Khối cơ trơn tử cung kích thước lớn sau khi được lấy ra. Ảnh: BVCC
Khi đến bệnh viện kiểm tra, bệnh nhân được chẩn đoán u cơ trơn tử cung với nhiều khối u xơ lớn. Một khối ở vùng đáy kích thước khoảng 115×90mm, hai khối khác kích thước 59x62mm và 63x40mm ở vùng eo mặt trước và sau tử cung. Ngoài ra, rải rác trong cơ tử cung còn có rất nhiều u xơ nhỏ khác, kích thước tổng thể của tử cung to tương đương người mang thai 6 tháng.
Theo TS.BS Phạm Thị Thu Huyền – Trưởng Khoa Phụ ngoại, Phụ nội tiết, trường hợp của bệnh nhân H tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt tử cung bán phần, đồng thời bảo tồn hai buồng trứng để duy trì chức năng nội tiết và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bệnh nhân.
Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định và dự kiến sẽ được xuất viện trong thời gian tới.
Phụ nữ cần làm gì khi phát hiện u xơ tử cung
U cơ trơn tử cung (hay còn gọi là u xơ tử cung) là khối u lành tính phát triển từ lớp cơ tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh thường phát triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm định kỳ. Tuy nhiên, khi các khối u lớn dần, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, đau bụng dưới, tiểu nhiều, táo bón, cảm giác nặng bụng hoặc sờ thấy khối bất thường vùng hạ vị.
Từ trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm giàu đạm, nhiều rau xanh, hạn chế tinh bột và cẩn trọng khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa collagen, mầm đậu nành – do những chất này có thể kích thích sự phát triển của u xơ. Đồng thời, cần khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư cổ tử cung và xét nghiệm HPV để phát hiện sớm các bất thường, bảo vệ sức khỏe sinh sản một cách toàn diện.
TS.BS Phạm Thị Thu Huyền cho biết, hiện nay, điều trị u xơ tử cung bằng kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA) – một phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, mang lại hiệu quả điều trị cao trong khi vẫn bảo tồn được tử cung cho người bệnh. Vì vậy, phụ nữ nên chủ động thăm khám sớm để có giải pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

GĐXH - Bệnh nhân nhập viện vì bị đau tức dữ dội vùng bụng dưới. Bệnh nhân được chẩn đoán u xơ tử cung kích thước lớn và được chỉ định phẫu thuật.

GĐXH - Người phụ nữ phát hiện u xơ tử cung sau hàng loạt dấu hiệu gây khó chịu như: Đau tức vùng hạ vị, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện nhiều lần trong ngày, thỉnh thoảng có táo bón...

GĐXH - Đến viện khám trong tình trạng mệt mỏi, đau vùng bụng dưới và băng kinh, người phụ nữ ở Phú Thọ được chỉ định phải cắt tử cung để loại bỏ nguyên nhân chảy máu.