Nhà khoa học 67 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư phổi khi đi khám tổng quát hồi tháng 5 vì huyết áp cao. Bác sĩ tiên lượng việc hóa trị và xạ trị chỉ giúp ông sống sót trong 5 năm, tỷ lệ thành công là 35%.
"Hóa trị rất khó khăn, tôi không muốn làm điều đó", ông chia sẻ.
Vì vậy, ông lựa chọn tham gia thử nghiệm tiên phong về vaccine điều trị ung thư phổi. Sau khi tham gia thử nghiệm, Racz cho biết loại vaccine mới khác hoàn toàn với các liệu pháp mà ông đã sử dụng trước đây.
Vaccine tên BNT116, được BioNTech sản xuất, sử dụng công nghệ mRNA tương tự vaccine Covid-19. Mũi tiêm sẽ đưa ra hướng dẫn để hệ miễn dịch của người tấn công tế bào ung thư.
Thử nghiệm giai đoạn đầu diễn ra tại 43 điểm nghiên cứu ở 7 quốc gia. Các nhà khoa học sẽ kiểm tra vaccine có an toàn hay không.
Theo các nhà khoa học, việc điều trị ung thư nên nhắm mục tiêu vào các tế bào cụ thể, nhằm để lại ít tác dụng phụ. Các mũi tiêm BNT116 phần nào thỏa mãn yếu tố này. Vaccine chứa thông tin di truyền tìm thấy trên mặt tế bào ung thư phổi, từ đó "dạy" hệ miễn dịch cách tìm và chiến đấu với chúng. Các chuyên gia nhận định BNT116 sẽ là "bước ngoặt" đối với cuộc chiến chống căn bệnh hiểm nghèo này.
Giáo sư Siow Ming Lee, trưởng nhóm lâm sàng cho thử nghiệm ở Anh, cho biết" "Hy vọng rằng liệu pháp miễn dịch có thể kết hợp với hóa trị và xạ trị, tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân".
Janusz Racz (nằm) là người đầu tiên ở Anh được tiêm vaccine điều trị ung thư phổi. Ảnh: PA Wire
Giám đốc ung thư quốc gia NHS England, Dame Cally Palmer, cũng cho rằng vaccine có thể mang đến "cuộc cách mạng" trong việc tiêm chủng toàn dân nhằm phòng ngừa ung thư sớm.
Thử nghiệm tìm kiếm các tình nguyện viên mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu, chưa từng phẫu thuật hoặc xạ trị; bệnh nhân giai đoạn cuối hoặc đã tái phát ung thư.
Hiện nay, thế giới có một số loại vaccine được sử dụng để chống lại các bệnh ung thư khác nhau. Khác với vaccine phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn sởi hay Covid-19, vaccine điều trị ung thư dành cho những người đã mắc bệnh. Nó huấn luyện hệ miễn dịch nhận biết và tấn công tế bào ung thư. Một số loại vaccine được thiết kế riêng để phù hợp với tế bào của từng bệnh nhân.
Ung thư phổi là bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất thế giới. Năm 2020, toàn cầu ghi nhận khoảng 1,8 triệu ca bệnh. Căn bệnh nổi tiếng là khó chẩn đoán, thường xuất hiện muộn và khó điều trị. Số liệu cho thấy nó gây tử vong cho 4 trên 5 bệnh nhân trong vòng 5 năm. Dưới 10% người bệnh sống sót sau 10 năm.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ là dạng phổ biến nhất. Các dấu hiệu của bệnh nhân bao gồm ho không giảm sau vài tuần; ho lâu ngày trở nên tồi tệ hơn. nhiễm trùng phổi, ho ra máu.
Tháng 7/2023, chính phủ Anh đã ký thỏa thuận với BioNTech để cung cấp liệu pháp miễn dịch, điều trị ung thư trúng đích cho 10.000 người vào năm 2023. Dù việc điều trị ung thư có tiến bộ, tỷ lệ sống sót giữa hai giới tính chênh lệch. Phụ nữ từ 35 đến 54 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư phổi với tỷ lệ cao hơn nam giới trong cùng nhóm tuổi.
Thục Linh (Theo BBC, Guardian)