GiadinhNet - Các chuyên gia khuyến cáo, ăn quá mặn hay quá nhạt đều có nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe của người dùng.
Mì chính hay còn gọi là bột ngọt là loại gia vị phổ biến trong chế biến các món ăn. Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bản chất của mì chính gồm natri và glutamate. Natri là thành phần quen thuộc trong muối ăn, còn glutamate là một trong hơn 20 loại axit amin phổ biến trong tự nhiên, tồn tại cả ở cơ thể người và các loại động thực vật khác.
Glutamate chính là thành phần mang đến vị umami hay còn gọi là vị ngọt thịt, giúp làm nên vị ngọt cho thực phẩm. Hầu hết thực phẩm chúng ta ăn thông thường hàng ngày đều chứa glutamate như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, rau củ quả... Do vậy, người dùng đều đã hấp thu chất này thông qua các loại thực phẩm.
Tuy nhiên, ngoài vị ngọt tự nhiên của thực phẩm, nhiều người có thói quen nêm nếm thêm loại mì chính kết tinh để món ăn được đậm đà, thơm ngon hơn, tạo cảm giác ngon miệng khi ăn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mì chính với khả năng mang lại vị umami, hỗ trợ thúc đẩy tiêu hóa các thực phẩm giàu protein, qua đó làm gia tăng cảm nhận cảm giác no khi thưởng thức món ăn. Điều đó rất có ý nghĩa trong việc giúp chúng ta dừng ăn đúng lúc.
Ảnh minh họa
Các chuyên gia nhận định, về bản chất, mì chính đơn thuần là một loại gia vị để nêm nếm vào đồ ăn. Nếu dùng với lượng ít vừa phải, mì chính không gây độc. Nó chỉ gây hại khi quá lạm dụng loại gia vị này để tạo độ ngọt trong chế biến hoặc không biết dùng đúng cách.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), dùng quá nhiều mì chính sẽ có nguy cơ gây rối loạn hoạt động não. Bên cạnh đó, dư thừa mì chính cũng sẽ khiến gan, thận phải làm việc cật lực để đào thải độc chất acid amin có trong gia vị này.
Bên cạnh đó, một số thói quen dùng mì chính sai cách cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe như:
Nêm mì chính vào món ăn đang nấu trên bếp
Theo các chuyên gia, khi đang nấu bất kể loại thức ăn nào ở nhiệt độ cao thì không nên nêm mì chính thời điểm này. Vì khi mì chính gặp nóng đột ngột sẽ xảy ra phản ứng, bẽ gãy các liên kết hóa học khiến mì chính trở nên có hại cho sức khỏe.
Nêm mì chính vào các món rán
Khi chiên rán thực phẩm trên dầu nóng mà cho trực tiếp mì chính lên trên bề mặt thực phẩm chiên vàng, cháy xém cạnh sẽ khiến mì chính khó tan, làm mất hương vị đặc trưng của món ăn và gây tổn hại cho dạ dày.
Nêm mì chính vào món nguội, món lạnh
Mì chính rất khó hòa tan ở nhiệt độ thấp. Nếu cho mì chính vào khi thức ăn đã nguội, mì chính không tan được sẽ khiến món ăn không những không ngon mà còn có cảm giác "ngọt lợ" khi ăn phải mì chính chưa tan hết.
Những ai không nên ăn mì chính?
Trẻ dưới 2 tuổi: Với trẻ em, mì chính làm thay đổi khẩu vị và gây nghiện mì chính khi không có gia vị này, nghĩa là trẻ sẽ biếng ăn khi món ăn không nêm mì chính. Hơn nữa, ăn mì chính không đúng cách khi hệ miễn dịch của bé còn yếu, cơ thể non nớt, chưa phát triển toàn diện sẽ rất hại cho trí não của trẻ.
Người huyết áp cao: Những người bị cao huyết áp phải cẩn thận với gia vị này. Về bản chất, mì chính cũng là một chất có chứa natri, vì thế người bị huyết áp cao, người bị phù cần phải hạn chế chất này nếu không sẽ làm bệnh nặng hơn.
Những người bị bệnh hen suyễn, dị ứng cơ địa: Trong mì chính có chất có thể gây ra bệnh hen suyễn ở một số cá nhân. Các cơn hen có thể xuất hiện khoảng 12 giờ sau khi dùng mì chính. Với những người có tiền sử từng bị dị ứng nếu ăn lượng mì chính quá nhiều sẽ gây hiện tượng chóng mặt, đau đầu và có thể nổi mẩn ngứa.
Người cao tuổi: Những người cao tuổi có chức năng vị giác suy giảm. Nếu dựa vào mì chính để đánh lừa vị giác, khi lượng mì chính dùng tăng lên thì lượng muối đưa vào cơ thể cũng tăng lên theo sẽ ảnh hưởng tới chức năng thận, gây khó tiểu tiện, phù, suy thận….
Người hay bị đau đầu: Một trong những tác dụng phụ của mì chính là gây đau đầu. Đây là triệu chứng thường gặp nhất, xảy ra từ 30 phút đến vài giờ sau khi ăn thực phẩm chứa nhiều mì chính. Do vậy, những người hay bị đau đầu nên hạn chế gia vị này để tránh cơn đau tái phát.
Lưu ý: Để tránh gây hại cho sức khỏe, khi dùng mì chính, người dùng tuyệt đối không nêm mì chính ở nhiệt độ cao, khi nấu chín thức ăn hãy bắc ra khỏi bếp mới cho mì chính. Nhiệt độ thích hợp để hòa tan mì chính là khoảng 70-90 độ C.
Không nên kết hợp mì chính với các món ăn có giấm, đồ nguội, hải sản, trứng, món ăn cho trẻ em, món khô, món chua vì vừa làm mất hương vị của món ăn lại vừa sản sinh độc tố gây hại cho sức khỏe.