Ông Hà được bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật tổn thương đốt sống cổ, cách đây một tuần. Chiều 17/11, trong phòng bệnh rộng chừng 20 m2, ông chập chững đi từng bước, tập vận động dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, cổ vẫn đeo dụng cụ hỗ trợ.
Tám năm trước ông đang đi bộ trên vỉa hè ở quận Long Biên, bị cành cây được chở trên một chiếc xe ba gác đập vào gáy. Khi ấy, ông Hà đến bệnh viện kiểm tra không phát hiện tổn thương. Những năm qua ông sinh hoạt bình thường, thỉnh thoảng cảm thấy mỏi cổ, không đau đầu hoặc chóng mặt. Vài lần cử động đầu lên xuống nghe tiếng khớp xương kêu răng rắc, ông Hà cho rằng bị thoái hóa xương khớp.
Hôm 15/6, ông đột ngột bị tê tay, đến mức không cầm nổi một cái tăm bông, khám đông y thầy thuốc chẩn đoán đốt sống thoái hóa chèn vào dây thần kinh, triệu chứng không đáng ngại. Uống thuốc đông y hai tháng, bệnh nặng dần, tứ chi không cử động được, ông phải nằm một chỗ hoặc dùng xe lăn. Bệnh viện địa phương phát hiện đốt sống cổ của ông bị tổn thương nặng, chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị ngày 14/10.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn ông Hà tập tại giường, ngày 17/11. Ảnh: Thảo Hương
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, cho biết đây là ca bệnh nặng, hiếm gặp và rất khó điều trị. Y văn thế giới đến nay ghi nhận chỉ có vài trường hợp bị tổn thương tương tự.
Bác sĩ đánh giá bệnh nhân này bị tổn thương rất nặng hai đốt sống cổ (ở trên cùng của cột sống), nhiều khả năng do cú va chạm với cành cây 8 năm trước gây ra. Đây là vị trí liền kề hộp sọ, có các mạch máu quan trọng và trục thần kinh từ não bộ đi ra, chi phối hoạt động chức năng của các cơ quan. Mặt khác, hai đốt sống tổn thương do lâu ngày đã có hiện tượng dính lại với nhau nên rất khó khăn để phục hồi khi phẫu thuật.
Người bệnh chỉ còn một động mạch đốt sống để cấp máu cho vùng não, trong khi người bình thường có hai động mạch hai bên. Nếu tổn thương mạch máu còn lại này, người bệnh sẽ tử vong.
Quá trình điều trị cho bệnh nhân Hà, tại Bệnh viện Bạch Mai. Video: Đoàn Dánh - Chi Lê
Các bác sĩ hội chẩn, quyết định phương án điều trị gồm trước khi mổ sẽ kéo nắn cột sống cổ bằng hệ thống khung chuyên dụng nhằm tách hai đốt sống dính, chỉnh lại trục sinh lý giải phẫu của vùng này. Mỗi ngày cột sống người bệnh được kéo từng milimet, tiến hành trong vài tuần nhằm tránh tổn thương động mạch đốt sống duy nhất còn lại. Quá trình này hoàn thành, người bệnh mới được phẫu thuật. Ca mổ diễn ra tuần trước.
"Chúng tôi như 'đi trên dây' khi mổ, làm thế nào để xoay xở trong không gian hẹp chỉ 1 cm2 giữa dây thần kinh và động mạch đốt sống, áp lực phải bảo tồn động mạch, ứng phó với tỷ lệ rủi ro, tai biến rất lớn", bác sĩ Du nói. May mắn ca mổ thành công, chỉ một ngày sau, bệnh nhân đã có thể cử động trở lại.
Từ tình trạng phải ngồi xe lăn, nằm liệt giường, nay ông Hà dần hồi phục các chức năng cơ thể. "Cảm ơn các y bác sĩ giúp tôi trở lại với cuộc sống bình thường. Tôi sẽ tiếp tục tập luyện, có sức khỏe thì mới đi làm được", ông Hà chia sẻ.
Chi Lê