Ngày 20/1, TS.BS Bùi Mai Anh, khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, cho biết bệnh nhân ở Nam Định, vào viện trong tình trạng tỉnh, bàn tay phải dập nát nhiều vết thương; ngón 1 dập nát xẹp lạnh, gân gấp tuốt dài, vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao.
"Nếu không giữ được ngón cái thì chức năng bàn tay mất 80%, gân gấp tuốt dài nếu không được nối lại chức năng vận động của ngón kém. Do tai nạn pháo nổ nên phần mềm dập nát, nguy cơ tắc mạch sau nối ngón cao", bác sĩ Mai Anh nói.
Các bác sĩ đã phải mở rộng lên cẳng tay để tìm đầu trung tâm của gân gấp bị đứt và nối lại cho bệnh nhân. Mạch máu của ngón nhỏ, co thắt, các bác sĩ phải nối bằng chỉ siêu nhỏ.
Hiện, bệnh nhân có thể cử động nhẹ nhàng ngón, nối ngón hồng ấm, tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, cho biết mặc dù đã tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của pháo tự chế, nhưng cứ vào dịp giáp Tết lại càng nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng. Nhiều trường hợp phải chịu thương tật suốt đời.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ gây đe dọa tính mạng bản thân và những người xung quanh.
Lê Nga