GĐXH – Không nên ăn nhiều thịt đông cùng lúc; hạn chế ăn cùng cơm trắng, nên ăn kèm thịt đông với rau xanh...
Dịp cuối năm và trong Tết Nguyên đán, lượng rượu, bia được tiêu thụ tăng rất cao. Tuy nhiên, theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, uống nhiều rượu, bia ngày Tết hoặc bất kỳ thời điểm nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí gây viêm loét dạ dày, xơ gan...
Trong đó, say rượu là một dạng ngộ độc rượu với nhiều mức độ khác nhau. Khi đó, người bị say rượu sẽ không làm chủ được nhận thức và hành vi, có thể gây bạo lực hoặc tai nạn giao thông. Do đó, việc sử dụng đồ uống này nên được hạn chế, không nên quá vui vẻ mà uống liên tục trong nhiều ngày.
Ảnh minh họa
Mặt khác, sau khi uống rượu, bia, nên áp dụng một số cách giải rượu để hạn chế tình trạng bị say rượu cũng như giúp cơ thể tránh được những tác động tiêu cực do rượu, bia gây ra.
Theo đó, một số loại đồ uống đơn giản, dễ làm có tác dụng giải rượu nhanh như:
Trà chanh gừng nóng
Trà chanh gừng nóng không chỉ là loại đồ uống giúp giải rượu, bia hiệu quả mà còn rất tốt cho cơ thể. Vị gừng nóng có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Chanh cung cấp vitamin C giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả.
Khi pha hỗn hợp chanh, gừng nóng có thể cho thêm vào một thìa mật ong để hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.
Bột sắn dây
Bột sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế. Uống nước bột sắn dây giúp giải rượu bia hiệu quả và làm giảm các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu, bia một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, nước sắn dây còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe như thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc.
Bột sắn dây được pha với nước lọc và có thể vắt thêm chanh giúp làm tăng hương vị của đồ uống.
Nước chè xanh
Nước chè xanh có chứa hàm lượng cao các axit tannic có khả năng khử chất cồn trong rượu. Vì thế, người đang bị say rượu nên uống ngay một cốc chè xanh thật đặc cũng có thể giúp giải rượu rất tốt. Chất tanin trong trà có thể khử độc cồn cấp tính, chữa trị các hiện tượng hôn mê, ức chế hô hấp do ngộ độc cồn.
Nước chanh muối
Chanh chứa hàm lượng vitamin C cao giúp giảm cơn say và làm cơ thể tỉnh táo trở lại. Ngoài ra, khi say rượu thường kéo theo khát nước nên uống nước chanh giúp giải cơn khát hiệu quả. Chanh cắt lát, cho vào nước, có thể thêm muối vào nước chanh để bù điện giải.
Nước chanh muối; bột sắn dây; chè xanh; trà gừng... là một số loại đồ uống có tác dụng giải rượu rất tốt. Ảnh minh họa
Uống rượu, bia ngày Tết như thế nào cho hợp lý?
Các chuyên gia khuyến cáo, trong trường hợp phải uống rượu bia thì tốt nhất không sử dụng quá hai đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới, một đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Theo đó, một đơn vị cồn tương đương với khoảng 3/4 chai hay lon bia có dung tích 330ml (5%); một ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Trước khi uống rượu nên ăn thức ăn, tránh để bụng trống vì khi đói khả năng hấp thu rượu của đường ruột sẽ nhanh hơn khi có trộn lẫn thức ăn, làm người uống dễ say hơn.
Nên tránh các thực phẩm cay nóng vì ở điều kiện thường, capsaisin - hoạt chất có trong ớt khiến ớt có vị cay - gây kích thích dạ dày và thành ruột. Đặc biệt khi kết hợp với rượu thì tác dụng lớn hơn rất nhiều. Chất cồn làm giãn các cơ vòng thực quản và tạo điều kiện cho acid trào ngược lại lên thực quản gây ợ nóng, trào ngược...
Không nên uống rượu với đồ uống có ga, rượu lẫn bia, vì chúng sẽ làm quá trình rượu hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.
Không nên uống quá nhanh, quá nhiều cùng lúc, sẽ làm tăng áp lực cho gan, khiến gan không kịp chuyển hóa rượu.
Thận trọng với tình trạng ngộ độc rượu
Theo các bác sĩ, dịp cuối năm và đầu xuân năm mới, các bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu chủ yếu do uống phải rượu công nghiệp thường có hàm lượng methanol cao. Do đó, sau khi uống rượu, nếu thấy cơ thể mệt mỏi nhiều, thở nhanh, chậm chạp cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra ngay không nên tự điều trị ở nhà, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.