Theo ThS.BS Hà Vũ Thành, Bệnh viện K (Hà Nội), tam thất là vị thuốc nổi tiếng được sử dụng lâu đời ở nước ta. Vị thuốc này còn được gọi là kim bất hoán (vàng không đổi).
Tam thất là những cây hay mọc ở vùng núi cao như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai. Các bộ phận được dùng làm thuốc gồm cây, lá, hoa trong đó rễ là quý nhất.
Bác sĩ Thành cho biết, cách dùng rễ tam thất phổ biến là sấy khô tán bột. Trong thành phần của củ tam thất chứa chất saponin nhóm dammaran. Một số nghiên cứu chỉ ra củ tam thất có hàm lượng saponin cao ngang với nhân sâm, ngoài ra còn chứa các axit amin, các chất polyactylen, panaxytriol.
Củ tam thất có một lượng lớn dược tính. (Ảnh minh họa)
Người dân dùng tam thất để bồi bổ sức khỏe vì nhiều tác dụng cho cơ thể. Bạn có thể dùng rễ, lá, cây tam thất để cầm máu nếu có chấn thương. Tam thất còn điều hòa miễn dịch, kích thích cải thiện khả năng ghi nhớ, tránh căng thẳng.
Y học hiện đại cũng thấy rằng tam thất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa nhiều bệnh tật trong đó có bảo vệ mạch máu.
Loại lá tốt như nhân sâm, là "kem chống nắng tự nhiên", có thể chống tia cực tím, kích thích sản sinh collagen
Người bị bệnh tim mạch dùng tam thất có thể cải thiện tình trạng bệnh. Tam thất cũng hỗ trợ trong điều trị ung thư, kháng khuẩn, kháng virus. Dân gian dùng tam thất trị u thũng.
Trong Đông y, tam thất vị ngọt, tính ấm quy vào các kinh can, thận. Tam thất có tác dụng cầm máu chữa thổ huyết, chảy máu cam, trị các vết bầm tím, chữa đi ngoài ra máu, kiết lị, rong kinh, hoa mắt chóng mặt.
Với người bệnh ung thư, tam thất có tác dụng hỗ trợ cho người bệnh ung thư thực quản, đại trực tràng. Phụ nữ sau sinh đẻ dùng tam thất rất tốt giúp giảm sưng nề, viêm tấy, lưu thông khí huyết, đào thải sản dịch.
Chuyên gia lưu ý, tam thất tốt nhưng bạn không nên dùng nhiều. Liều lượng mỗi ngày là 5g bột tam thất. Việc dùng tam thất kéo dài có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như nóng, u nhọt, mệt mỏi.
Một số người không nên dùng tam thất là người bị rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy, rối loạn đông máu, trẻ em.
Bột tam thất có thể pha nước không cần dùng cùng mật ong. Những người bị bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường nếu muốn dùng thêm tam thất bồi bổ cho sức khỏe nên xin tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để sử dụng an toàn, hiệu quả.