Câu trả lời chính là cà tím – một trong những loại rau quả quen thuộc với người Việt ta. Cà tím là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giúp điều trị nhiều bệnh và hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên ăn cà tím thế nào, chế biến ra sao thì không phải ai cũng biết. Vậy lợi ích của cà tím có gì tuyệt vời mà được các chuyên gia đánh giá cao?

2-1652408875023185535408.jpg

Cà tím ngon, bổ, rẻ lại còn sở hữu nhiều lợi ích nâng cao sức khỏe.

Lợi ích của cà tím, tuy rẻ nhưng lợi ích vô vàn

Nhiều người hay bảo rằng "của rẻ là của ôi" nhưng riêng cà tím lại không như vậy. Theo các chuyên gia, thành phần của cà tím chứa 92% là nước, còn lại là chất xơ cùng khoáng chất tốt cho sức khỏe. Nhờ vậy mà chúng ta có thể ăn nhiều cà tím mà không sợ béo phì, còn tạo cảm giác no hỗ trợ giảm cân nhanh.

Bên cạnh đó, cà tím đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư đại tràng. Nguyên do vì cà tím chứa lượng lớn chất xơ, khi đi vào cơ thể sẽ hấp thụ độc tố và hóa chất trong đường ruột, ngăn ngừa sự phát triển của các khối u ác tính.

Hơn thế nữa, cà tím còn sở hữu chất potassium và nước giúp điều hòa nhịp tim, bảo vệ sức khỏe tim mạch. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2019, kali – vitamin C – vitamin B6 trong cà tím có khả năng giảm viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh tim xuống rất thấp.

1-1652408874997289507964.jpg

Cà tím có thể ngăn ngừa bệnh ung thư đại tràng hiệu quả nhờ chất xơ dồi dào.

Ngoài những gì vừa được đề cập, cà tím cũng có nhiều lợi ích tuyệt vời khác, không những tốt cho sức khỏe mà còn làm đẹp da:

- Giàu chất chống oxy hóa

Cà tím chứa 2 chất chống oxy hóa là polyphenol và anthocyanins, có khả năng ức chế các gốc tự do và đẩy lùi lão hóa hiệu quả. Về lâu dài, chúng còn ngăn chặn sự phát triển của khối u và phòng ngừa ung thư. Ăn cà tím cũng là cách giúp đẹp da và giảm nếp nhăn tự nhiên bậc nhất.

- Cải thiện khả năng nhận thức

Trong vỏ cà tím có chứa nasunin – một chất bảo vệ màng tế bào não khỏi bị hư tổn do gốc tự do gây ra. Chất này cũng có khả năng vận chuyển dinh dưỡng cho các tế bào và di chuyển độc tố ra ngoài. Đặc biệt hơn, nasunin còn ngăn ngừa bệnh viêm thần kinh và giúp máu lưu thông lên não trơn tru.

3-1652408875060782678928.jpg

Ăn cà tím sẽ ngăn chặn các tác hại do gốc tự do gây ra cho não bộ và tế bào.

- Tốt cho thị lực

Chất lutein trong cà tím đóng vai trò quan trọng duy trì sức khỏe của mắt, trong khi chất zeaxanthin lại giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng, có thể dẫn đến mất thị lực ở người cao tuổi. Nếu ăn thường xuyên, bạn sẽ thấy thị lực được cải thiện phần nào, cũng như bảo vệ mắt khỏi các bệnh về thị lực.

- Giảm cholesterol xấu LDL

Theo một kết quả nghiên cứu vào năm 2014, chất chống oxy hóa chlorogenic trong cà tím sẽ làm giảm mức độ cholesterol xấu LDL xuống thấp, từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả. Ngoài ra, chất này còn ngăn ngừa nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do bia rượu.

4-16524076082301197883798.jpg

Cà tím có thể chế biến thành nhiều món ngon cho cả nhà.

Những lưu ý cần nhớ khi ăn cà tím

Cà tím tuy là thực phẩm tuyệt vời cho sức khỏe, tốt cho cơ quan nội tạng nhưng không phải muốn ăn tùy tiện thế nào cũng được. Theo các chuyên gia, loại quả này giàu dinh dưỡng nhưng cũng dễ gây độc nếu ăn sai cách. Hãy lưu ý những điều sau trước khi sử dụng cà tím:

- Không ăn quá nhiều

Trong cà tím chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư. Dù tốt nhưng nếu ăn quá nhiều, chất này sẽ kích thích mạnh lên hệ hô hấp của cơ thể, gây mê sảng và mệt mỏi. Solanine rất khó bị hòa tan trong nước hoặc nhiệt độ cao, cho nên dù có luộc sôi cũng không dễ bị phá bỏ.

Để tránh độc, bạn chỉ nên ăn cà tím khoảng 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 100-200g là vừa phải. Hãy dùng chung với cơm hoặc các thực phẩm khác để giảm bớt tác động của solanine.

5-16524088751011193100115.jpg

Ăn cà tím vừa phải sẽ mang nhiều lợi ích bất ngờ, tốt nhất đừng lạm dụng.

- Không nấu ở nhiệt độ cao

Cũng như các loại rau khác, cà tím sẽ bị thất thoát nhiều chất dinh dưỡng khi bị nấu ở nhiệt độ cao. Theo các chuyên gia, cà tím có thể bị hao hụt 50% vitamin vốn có nếu chiên quá lâu.

Nhìn chung, bạn không nên ăn sống cà tím nhưng cũng đừng nấu quá chín. Hãy hấp hoặc hầm nhừ để giữ trọn vẹn dinh dưỡng và hương vị. Trước khi chế biến, hãy ngâm cà tím với nước muối để loại bỏ vị đắng của cà, làm cho món ăn ngon hơn.

- Nên ăn nguyên vỏ

Nhiều bà nội trợ vì sợ cà tím bị phun thuốc nên thường cắt sạch vỏ cho yên tâm. Tuy nhiên, phần vỏ lại là nơi chứa cực nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết, nếu vứt đi thì việc ăn cà tím không còn lợi ích như đã đề cập. Vậy nên, hãy rửa sạch vỏ và ăn như bình thường là tốt nhất.

6-1652409083547135449896.jpg

Nên ăn nguyên vỏ cà tím để hấp thụ tối đa lợi ích của loại quả này.

- Những nhóm người không nên ăn cà tím

Theo đó, những người đang mắc bệnh dạ dày không nên ăn cà tím vì chúng có tính hàn, ăn vào sẽ làm dạ dày khó chịu và gây tiêu chảy cấp. Người bị thấp khớp, đau khớp khi trời lạnh cũng không nên ăn vì sẽ gây sưng tấy nặng hơn. Bệnh nhân hen suyễn, mắc bệnh thận cũng phải tránh vì cà tím chứa lượng oxalate cao - một chất nếu ăn nhiều sẽ tạo nên bệnh sỏi thận.

Theo Healthline, Webmd

https://afamily.vn/loai-qua-giau-chat-chong-oxy-hoa-bac-nhat-dung-dung-cach-se-ngua-ung-thu-va-giam-can-nhanh-20220513094647066.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022