Nấm Candida có tên gọi khoa học là Candida albicans, là một loại nấm men có hình tròn hoặc bầu dục, kích thước khoảng 2-5μm. Nó được liệt vào danh sách hàng đầu những nguyên nhân gây viêm vùng kín ở nữ giới, đôi khi là cả cơ quan sinh dục nam. Bên cạnh đó, nhiều người không biết rằng loại nấm này còn thường sống hoại sinh trên da và bên trong cơ thể như miệng, họng, thực quản hay ruột con người.
Bà Zhang là một trong số những người như vậy. Bà năm nay ngoài 50 tuổi, sống tại Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc). Bà Zhang cho biết mình đã chịu đựng những khó chịu trong khoang miệng đã gần nửa năm. Lúc đầu, chỉ cảm thấy hay khô miệng và hơi ngứa. Sau đó, bắt đầu xuất hiện tình trạng nóng, đỏ thành từng mảng và hơi rát. Cho rằng cơ thể mình bị thiếu nước, nóng trong nên bà Zhang cố gắng uống rất nhiều nước mỗi ngày.
Khoang miệng người phụ nữ “nở hoa” trắng xóa vì nhiễm nấm Candida (Ảnh minh họa)
Đến khi niêm mạc miệng ngày càng trở nên đau rát, loét ra thành những vết trắng bà Zhang lại nghĩ rằng mình bị nóng trong dẫn tới nhiệt miệng. Vì vậy, bà tự mua nhiều loại thuốc thanh nhiệt, giải độc gan, thuốc bôi nhiệt miệng nhưng vẫn không khỏi. Cuối cùng, người nhà thấy bà sụt cân nhanh, ăn uống khó khăn mà còn luôn mệt mỏi sau khi ăn nên bắt bà đi khám bệnh bằng được.
Bác sĩ tai mũi họng Chen Liangyu (Đài Loan, Trung Quốc) kể lại: “Khi bệnh nhân tới khám, trong miệng giống như nở hoa trắng xóa vì những nốt viêm loét miệng trắng dày đặc. Hơi thở có mùi táo thối, xanh xao và khát nước bất thường - đều là đặc trưng của bệnh tiểu đường nên chúng tôi tiến hành đo đường huyết và xét nghiệm máu. Kết quả, lượng đường trong máu cao tới hơn 300 mg/dL giá trị đường huyết lúc đói bình thường là 60-99 mg/dL). Chẩn đoán cuối cùng là tiểu đường tuýp 2 và nhiễm nấm Candida khoang miệng”.
Khi nhận được kết quả chẩn đoán, bà Zhang rất ngạc nhiên và cho rằng bác sĩ nhầm lẫn. Bởi vì bà từng điều trị viêm âm đạo do nhiễm nấm Candida cách đây nhiều năm. Trong suy nghĩ của bà, đó là loại nấm chỉ xuất hiện ở vùng kín của nữ giới.
Bác sĩ Chen Liangyu giải thích: “Nấm Candida có thể tồn tại và gây hại ở nhiều bộ phận, phổ biến nhất là cơ quan sinh dục. Trong đó, cơ quan sinh dục nữ phổ biến hơn nhưng không có nghĩa là nam không bị mắc. Trên thực tế, ngoài ruột, thực quản hay họng thì khoang miệng cũng là nơi thường bị nhiễm trùng Candida. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không có triệu chứng và có thể tự khỏi do khả năng miễn dịch mạnh mẽ. Với bà Zhang thì không, bởi bà Zhang bị bệnh tiểu đường đã lâu dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch”.
Liên tục cảm thấy khô miệng, khát nước bất thường có thể do mắc bệnh tiểu đường (Ảnh minh họa)
Ông cũng nhắc nhở thêm rằng chúng ta không nên chủ quan với những vết viêm hay loét miệng không khỏi sau 2 tuần. Bởi đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác, bao gồm cả bệnh ung thư miệng nguy hiểm.
Những dấu hiệu của ung thư âm hộ dễ bị chẩn đoán sang bệnh nhiễm trùng nấm men
Ngoài ra, đừng bỏ lỡ các dấu hiệu sớm của tiểu đường như:
- Khô miệng và hay khát nước, ngay cả khi uống nhiều.
- Nhanh đói và mệt.
- Đi tiểu nhiều bất thường, tiểu đêm.
- Ngứa da khó hiểu.
- Nhiễm trùng nấm men.
- Vết cắt, loét lâu lành.
- Sụt cân khó hiểu.
- Thị lực giảm, khô mắt.
Bởi vì chúng không chỉ là bệnh mạn tính không thể chữa dứt điểm, gây ảnh hưởng tới cuộc sống mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Family Doctor