Hiện, Nhi làm việc tại Khoa huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Hàng ngày, cô và đồng nghiệp thực hiện các xét nghiệm, giúp bác sĩ chẩn đoán, theo dõi và điều trị. Thỉnh thoảng, cô đến các huyện lấy máu nhân đạo để truyền cho bệnh nhân.

tu-cua-tu-tro-thanh-bac-si-1721198396.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B273xp9M4EUw-lPiPNoV1A
Từ cửa tử trở thành bác sĩ

Cuộc gọi ngắn chỉ đủ để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của bác sĩ Nguyễn Đức Chính và Anh Nhi, hôm 18/7. Video: Thùy An

Nhớ lại ngày 1/12/2011, khi nghe tin con gái bị xe tải nghiền qua bụng, gia đình Nhi vẫn thấy "hãi hùng đến chết lặng". Đến hiện trường, bố mẹ chứng kiến cô nằm bất động trong vũng máu, thoi thóp thở, thành bụng dập nát, mất nửa số tạng. Mọi người đưa Nhi đến cấp cứu tại Bệnh viện huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa sau đó chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội.

"Trường hợp này khó", PGS.TS.BS Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức, nhớ lại. Theo ông, đây không phải là ca cực kỳ nguy hiểm nhưng phức tạp vì có nhiều tổn thương cùng lúc cần xử lý trên nền bệnh nhân gầy, nhỏ. Trẻ bị mất toàn bộ thành bụng, "việc chăm sóc và sửa chữa gần như là điều không tưởng". Một số nhân viên y tế trăn trở có nên thực hiện cuộc mổ.

Cuối cùng, ê kíp quyết định phẫu thuật cứu trẻ. Y bác sĩ vật lộn xuyên đêm để xử lý hàng loạt tổn thương, cắt toàn bộ đại tràng, một phần bàng quang, niệu quản... Bệnh nhi phải đặt miếng gạc thay thành bụng để che tạm các nội tạng trong một thời gian.

Vài ngày sau, thành bụng cố giữ lại cũng hoại tử, phải cắt bỏ, bàng quang rò dịch, rò nước tiểu ra ổ bụng, gần như hết cơ hội sống. "Nhìn cháu bé gầy gò nằm ở góc phòng, bụng phủ một tấm gạc thẫm đẫm dịch, máu, tuy đau đớn nhưng không khóc khiến chúng tôi vô cùng ám ảnh", ông Chính nói.

Kíp hội chẩn thêm với Khoa Nhi và Tiết niệu, Khoa Phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật tim mạch và lồng ngực... tìm cách hỗ trợ. Bác sĩ Chính cũng liên hệ với chuyên gia nước ngoài, cố gắng tìm kiếm cơ hội cho bệnh nhân nhưng chỉ nhận về cái lắc đầu.

Bác sĩ Trần Tuấn Anh, một trong những người tham gia phẫu thuật và điều trị, cho biết đây là một ca bệnh rất đặc biệt, ngay cả trong y văn. Ngày qua ngày, cơ thể Nhi bắt đầu hấp thu được dinh dưỡng, miếng lưới (mesh) để che phủ nội tạng có hiệu quả, nhưng tiến triển khá chậm. Bác sĩ khuyên gia đình nên chờ đợi những tiến bộ y học để trẻ được hồi phục hoàn toàn.

Sau 13 năm, Nhi trải qua khoảng 25-27 cuộc mổ lớn nhỏ, trong đó ca mổ đưa ruột xuống nối ống hậu môn để không phải đeo hậu môn nhân tạo là khó nhất. "Bệnh nhân nhỏ như viên kẹo, phần khung chậu bị dính, rất khó khăn để gỡ", bác sĩ nói và thêm rằng nhiều khi đang mổ phải dừng lại, cân đo đong đếm, tính toán nên mổ tiếp thế nào.

4e22436fbb745c2a0565-156697526-9114-4621-1721137996.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=o9KPZlGIwNJULB6AJye73Q

Anh Nhi (áo sọc nâu đen) cùng bố mẹ (áo xanh) gặp y bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày nhập học, năm 2019. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Năm Nhi 17 tuổi, gia đình đưa con gái trở lại Bệnh viện Việt Đức khám. Gặp bác sĩ Chính, cô giãi bày ước mơ trở thành bác sĩ, dù biết "khó như hái sao trên trời". Đắn đo một lúc, ông gợi ý cho Nhi theo học chuyên ngành xét nghiệm vừa đảm bảo tình trạng sức khỏe vừa thực hiện được đam mê.

Vài phút nói chuyện làm thay đổi cả cuộc đời. Nhi hiểu ra, bác sĩ không nhất thiết phải cầm dao mổ, ra y lệnh. Còn chuyên ngành xét nghiệm dù chỉ tiếp xúc với chế phẩm như máu, nước tiểu nhưng cũng là "cánh tay đắc lực" giúp bác sĩ chẩn đoán, điều trị đúng. Cô tích cực học tập để biến ước mơ thành hiện thực.

Tháng 8/2019, Nhi nhận kết quả trúng tuyển vào chuyên ngành Xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhi ví đây là "tia hy vọng lé lên giữa cuộc đời tăm tối", giúp cô tin tưởng và trân trọng cơ thể nhiều khiếm khuyết của mình hơn.

Tuy nhiên, lịch học dày đặc khiến sức khỏe Nhi giảm sút. Một lần, nữ sinh viên bị ngất khi đang học, vã mồ hôi, suy kiệt, phải đi cấp cứu. Lúc này, cô vẫn dùng hậu môn nhân tạo, chướng bụng, khó đi ngoài. Nằm trên giường bệnh, cô gái trăn trở, sợ tiếp tục học y có thể gây hại cho mình, thậm chí ảnh hưởng đến bệnh nhân. Lúc này, cô nỗ lực bình tĩnh để tìm lý do thuyết phục bản thân.

"Một là bỏ cuộc, tiếp tục là gánh nặng của bố mẹ, hai là cố gắng sống có ích để tự nuôi sống bản thân". Lấy gia đình và bạn bè làm động lực, cô tìm lại thăng bằng. "Tôi cũng không muốn buông bỏ chính mình, còn sống đã là tốt rồi", Nhi chia sẻ.

Sau sự cố, thầy cô và bạn bè biết tình trạng của Nhi, mọi người giúp đỡ cô nhiều hơn. Đến cuối kỳ, họ cùng Nhi tìm kiếm tài liệu để trau dồi kỹ năng xử lý mẫu, sử dụng thiết bị xét nghiệm hay cách đọc và hiểu kết quả xét nghiệm. Nhờ đó, Nhi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp.

IMG-9146-6681-1721288411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aDzxJqA5FvKafdKP5UqzZw

Hiện, Nhi là cử nhân Y khoa Xét nghiệm, làm việc tại Khoa huyết học- Truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2023, Nhi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa để thực hành và được cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện, cô làm việc trong phòng lab, xử lý các chế phẩm. Ước muốn lớn nhất là sớm ổn định công việc, tự trang trải cuộc sống, giúp nhiều người chữa khỏi bệnh.

Hiện cô cũng tăng cân, sức khỏe tốt. Bác sĩ Chính vui mừng khi thấy Nhi hòa nhập cuộc sống. "Nhìn bệnh nhân trưởng thành, trở thành người có ích, tôi càng có thêm động lực để cống hiến và gắn bó với nghề hơn", bác sĩ giãi bày.

Ông hẹn gặp Nhi và gia đình vào một ngày gần nhất "để được chụp một tấm hình đẹp và vững tin phép màu là có thực nếu mỗi người kiên định đến cùng".

449640488-468346345951218-8430-6754-6498-1721288411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oxi_B2IYt_0BRHkd008uaQ

Nguyễn Anh Nhi (thứ 4 từ trái qua) nhận bằng tại Lễ tốt nghiệp, trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022