Bệnh nhi chào đời cuối năm 2023, nặng 3,2 kg, sức khỏe bình thường. 4 tháng tuổi, mắt bé có dấu hiệu lồi, không linh động. Khám tại một bệnh viện tại Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán glocom bẩm sinh, dị tật lồi mắt trâu, giác mạc to. Bé được chỉ định dùng thuốc, sau đó phẫu thuật mở bè hai lần nhằm hạ nhãn áp, tuy nhiên bệnh không cải thiện.

Hai lần chạy chữa chưa có kết quả, gia đình dự định đưa bé Minh sang Singapore thăm khám, sau đó quyết định điều trị tại Trung tâm Mắt công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào tháng 7 năm nay. "Bác sĩ điều trị giới thiệu bệnh viện Tâm Anh đủ điều kiện mổ ngay tại Việt Nam, vì vậy tôi đưa con đến đây", mẹ bé cho biết.

2-2-1721705976-7267-1721706421.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JKeB3pnsCOedKXscJ6vyYg

Diện đồng tử giãn rộng do glocom biến chứng ở mắt của bé Minh trước phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

PGS.TS.BS Bùi Thị Vân Anh, Trưởng khoa Phaco và Bệnh phần trước nhãn cầu, trực tiếp điều trị, nhận định đây là ca bệnh khó. Bệnh nhi mắc glocom bẩm sinh, bệnh tiến triển nặng, biến chứng giãn đồng tử, giác mạc mờ đục, lòng đen chiếm đến 90% diện tích nhãn cầu nhìn thấy được. Nhãn áp tăng cao khiến trục nhãn cầu dài, tăng nguy cơ bong rách võng mạc dẫn tới mất một phần thị lực hoặc mù lòa.

Do nhiều lần điều trị trước đó không hiệu quả, bác sĩ chỉ định phẫu thuật đặt van dẫn lưu nhằm điều hòa nhãn áp - lý do chính gây ra các vấn đề về mắt ở bệnh nhi. Ca mổ diễn ra ngày 15/7, kéo dài khoảng 30 phút, thực hiện với thiết bị vi phẫu chuyên dụng nhằm đảm bảo chính xác, tránh biến chứng. Quá trình phẫu thuật gây mê hoàn toàn, sử dụng thiết bị gây mê dành riêng cho trẻ em.

PGS Vân Anh đánh giá ca mổ gặp nhiều thách thức do khó quan sát khi đặt van dẫn lưu trong mắt; nhãn cầu mềm sau khi đặt van, thao tác gian nan hơn thông thường. "Ở trường hợp này, chúng tôi cần thao tác tỉ mỉ hơn, tính toán kỹ lưỡng đặt ống dẫn lưu như thế nào để phù hợp với quá trình quá trình giảm nhãn áp, thu hẹp đồng tử sau phẫu thuật", PGS Vân Anh nói.

Sau mổ hai tiếng, bệnh nhi tỉnh táo, khỏe mạnh và hoạt bát. Hiện nhãn áp của em bé trở về mức bình thường.

3-1-1721706033-8064-1721706421.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dtXlvVbvdImiTZj3sW4Zfg

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật đặt van điều trị glocom bẩm sinh cho bé trai ngày 15/7. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Glocom là một nhóm bệnh về mắt, có thể gây mất thị lực và mù lòa do làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Ở trẻ em, bệnh glocom bẩm sinh xuất hiện do hệ thống dẫn lưu thủy dịch phát triển không hoàn chỉnh, tiến triển nhanh gây biến chứng. Tỷ lệ glocom bẩm sinh khoảng 1/10.000. Bệnh gây những tổn thương thần kinh thị giác không thể phục hồi. Vì vậy, những em bé mắc glocom cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, làm chậm quá trình bệnh phát triển.

Dấu hiệu của bệnh gồm đục giác mạc diện rộng, tăng tiết nước mắt, tăng nhạy cảm ánh sáng. Tuy nhiên, những biểu hiện này không rõ ràng ở giai đoạn đầu, khó nhận biết hơn khi trẻ chưa biết nói, chia sẻ các vấn đề về thị lực. "Nhiều gia đình cho rằng con mắt to dễ thương, không nghĩ đây là biểu hiện bệnh lý", PGS Vân Anh nói.

Theo PGS Vân Anh, biểu hiện gợi ý bệnh glocom là nhãn áp tăng cao. Các chuyên gia sẽ thổi luồng hơi vào mắt nhằm đánh giá phản xạ, từ đó đo được áp lực nội nhãn. Với trẻ em khó hợp tác, bệnh viện cần có thiết bị chuyên dụng để chẩn đoán bệnh lý mắt bẩm sinh.

Khuê Lâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022