Quy định này trong Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT được Bộ Y tế ban hành ngày 1/1. Trong đó, thông tư hướng dẫn về quy định người dân khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu do thay đổi nơi tạm trú, lưu trú.

Theo quy định mới, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám chữa bệnh tại cơ sở BHYT khác nơi đăng ký ban đầu, không phân biệt địa giới hành chính.

"Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình", bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, nói sáng 2/1 khi hướng dẫn các đơn vị triển khai Thông tư này.

Trước đây, một người đến tỉnh khác công tác, khám chữa bệnh BHYT sẽ không được thanh toán mức hưởng do không khám ở đơn vị đăng ký ban đầu. Điều này gây khó khăn, thiệt thòi cho người bệnh. Nay, người bệnh có thể khám chữa ở bất cứ đâu, không phân biệt địa giới, vẫn được BHYT thanh toán như đúng tuyến.

Quy định mới này áp dụng cho người tham gia BHYT thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày, đã khai báo thông tin lưu trú. Cụ thể, các trường hợp gồm: Đi công tác đến tỉnh thành khác; học sinh, sinh viên, học viên đang nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết ở gia đình hoặc thực hành, thực tập, đi học tại tỉnh khác. Nhóm này còn có: Người lao động tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép tại gia đình; người làm việc lưu động tại tỉnh khác; người đi đến tỉnh khác để thăm thành viên gia đình theo quy định.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn thủ tục khám chữa bệnh BHYT khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú. Theo đó, người dân cần cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan như văn bản cử đi công tác; thẻ học sinh, sinh viên, học viên; văn bản nghỉ phép có xác nhận của đơn vị công tác; văn bản cử hoặc phân công nhiệm vụ làm việc lưu động của đơn vị công tác; giấy tờ thể hiện quan hệ thành viên gia đình theo pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Trường hợp thay đổi nơi tạm trú, người tham gia BHYT xuất trình cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT một trong các giấy tờ chứng minh thông tin về thay đổi nơi tạm trú. Giấy tờ bao gồm phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú. Hoặc, thông tin về đăng ký tạm trú trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.

233a1886-1735791526-1735791987-4147-1735792008.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bFlw_cKeYc4TrQSoX2iO0w

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại Thông tư mới, Bộ Y tế cũng ban hành danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám chữa bệnh trong thời hạn một năm. Đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời. Điều này góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở khám chữa bệnh, giảm chi phí di chuyển, vận chuyển, giảm chi tiền túi của người bệnh.

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, hệ thống khám chữa bệnh được chia thành 3 cấp chuyên môn: Ban đầu - Cơ bản - Chuyên sâu, thay vì 4 tuyến trung ương - tỉnh - huyện - xã như trước.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022