Ngày 29/10, tại Itaewon, Hàn Quốc đã xảy ra thảm kịch giẫm đạp khiến ít nhất 151 người chết. Trong các đoạn video ghi lại hiện trường, người ta hình thấy hình ảnh các nạn nhân được thực hiện ép ngực để hồi sức tim phổi. Đây là thủ thuật vô cùng quan trọng, giúp cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp nguy kịch.
Hồi sức tim phổi (CPR) là thủ tục có thể cứu sống người bị ngưng tim, ngưng thở. Đây là hành động dùng tay ép ngực để bắt chước cách tim bơm máu, biện pháp này giúp giữ máu lưu thông khắp cơ thể.
Tình trạng ngưng tim tương tự một cơn đau tim, xảy ra khi dòng máu đến tim tắc nghẽn. Khi tim người ngừng đập, máu không thể bơm đến phần còn lại của cơ thể, bao gồm não và phổi. Người bệnh có thể tử vong trong vài phút nếu không được điều trị kịp thời.
Ngưng tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong mọi tình huống. Trên thực tế, đây là nguyên nhân gây chết người hàng đầu thế giới. Hầu hết trường hợp ngưng tim xảy ra trong nhà, 18,8% trường hợp khác xảy ra nơi công cộng.
Tầm quan trọng của CPR
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 10 người ngưng tim ngoài bệnh viện thì khoảng 9 người tử vong.
Tuy nhiên, CPR sẽ giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót. Thủ thuật này giữ cho máu giàu oxy lưu thông đến não và các cơ quan khác, đến khi bác sĩ cấp cứu thực hiện các phương pháp chuyên sâu hơn để khôi phục nhịp tim bình thường. Khi tim ngừng đập, cơ thể không còn được bơm máu, não có thể tổn thương rất nhanh.
Nếu được thực hiện trong vòng vài phút, hồi sức tim phổi có thể giúp tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần cơ hội sống sót của nạn nhân. CPR cũng cải thiện hiệu quả của quá trình khử rung tim (thường được thực tại bệnh viện).
Theo các chuyên gia của Mayo Clinic, việc hồi sức tim phổi cho người ngưng tim luôn luôn tốt hơn là chờ đợi và không làm gì cả, dù các thao tác CPR của người thực hiện chưa hoàn toàn chính xác.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nếu chưa qua đào tạo về y tế, nên thực hiện hồi sức tim phổi bằng tay, tức là ép ngực liên tục từ 100 đến 120 phút cho đến khi nhân viên y tế đến, không cần hô hấp nhân tạo bằng miệng.
Các khuyến nghị này được áp dụng đối với người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh, song không nên thực hiện với trẻ từ 0 đến 4 tuần tuổi.
Hồi sức tim phổi cho người ngưng tim có thể làm tăng từ hai đến ba lần khả năng sống sót. Ảnh: Sun
Cách thực hiện CPR
Trước khi bắt đầu hồi sức tim phổi, mọi người cần kiểm tra xem môi trường xung quanh có đủ thoáng và an toàn hay không, nạn nhân có ý thức hay không. Nếu người bệnh ở trong tình trạng bất tỉnh, người sơ cứu có thể gõ, lắc vai họ và hỏi lớn "Bạn có sao không?".
CPR gồm ba bước, đó là khôi phục lưu lượng máu, mở đường thở và thổi ngạt. Trong đó, hai bước cuối thường được khuyến nghị cho người đã được đào tạo y tế.
Để khôi phục đường thở, người sơ cứu cần đặt nạn nhân nằm ngửa trên bề mặt vững chắc, quỳ bên cạnh cổ và vai người đó. Tiếp theo, đặt dòng bàn tay lên giữa ngực nạn nhân, giữ khuỷu tay vuông góc với cơ thể nạn nhân, đồng thời đẩy thẳng (ép) ngực xuống ít nhất 5 cm, không quá 6 cm.
Người sơ cứu sử dụng toàn bộ trọng lượng cơ thể (không chỉ cánh tay) để ép xuống khi thực hiện động tác này. Tốc độ ép tim được khuyến nghị là từ 100 đến 120 lần một phút.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nếu chưa được đào tạo bài bản, hãy ép tim cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu cử động hoặc nhân viên y tế đến cấp cứu.
Nếu đã được huấn luyện, người sơ cứu có thể đến bước thứ hai là mở đường thở bằng cách nghiêng đầu và nâng cằm nạn nhân. Bạn đặt lòng bàn tay của bạn lên trán, nhẹ nhàng giúp người bệnh ngửa đầu ra sau. Với tay còn lại, bạn nhẹ nhàng nâng cằm nạn nhân về phía trước để mở đường thở.
Hồi sức tim phổi cũng có thể thực hiện bằng miệng nếu nạn nhân bị thương nặng vùng mặt, gây khó thở. Các chuyên gia hướng dẫn bịt chặt lỗ mũi người bệnh, dùng miệng bạn bao kín miệng nạn nhân và bắt đầu thổi ngạt.
Người sơ cứu có thể thổi ngạt hai lần, lần đầu kéo dài một giây và theo dõi xem lồng ngực nạn nhân có căng lên hay không. Nếu lồng ngực căng, bạn hãy thổi ngạt lần hai. Sau đó, bạn tiếp tục ép ngực để khôi phục lưu lượng máu.
Hướng dẫn sơ cứu CPR
Các chuyên gia khuyến nghị thực hiện chu kỳ CPR 5 lần (30 lần ép ngực và hai lần thổi ngạt trong vòng hai phút). Sau 5 lần CPR, mọi người có thể kiểm tra hơi thở và mạch của nạn nhân lần nữa. Nếu có mạch nhưng nạn nhân không thở, không tiếp tục thực hiện ép ngực. Chỉ tiếp tục thổi ngạt trong mỗi 5-6 giây, nên làm đủ 20 lần thổi trong 20 phút.
Thục Linh (Theo CDC, Mayo Clinic)