Đưa con gái 8 tuổi đến hội ngộ các bác sĩ sáng 26/8, người mẹ ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM, hạnh phúc khi nhìn bé tự tin biểu diễn văn nghệ, không chỉ phát âm tròn vành rõ chữ mà còn nói trôi chảy tiếng Anh. Đây là những thành quả vượt ngoài mong đợi, điều mà vợ chồng chị từng dám nghĩ đến.
Khi mang thai con gái đầu lòng 5 tháng, chị sốc khi nhận kết quả siêu âm thai nhi dị tật sứt môi hở vòm. Mong đó chỉ là chẩn đoán chầm, chị đến bệnh viện sản lớn hơn để kiểm tra lại và nhận kết quả tương tự. Không dám thông báo gia đình hai bên vì sợ mọi người buồn lo, chị mang bụng bầu đến những gia đình có trẻ bị dị tật này để tìm hiểu và đi khắp nơi gặp nhiều bác sĩ để xin tư vấn.
Khi được bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, phân tích về khả năng phẫu thuật có thể sửa chữa thành công dị tật này cho bé, chị quyết tâm giữ lại thai nhi. Bé chào đời, việc ăn uống khó khăn, chị kiên trì tập cho con bú bình. May mắn, bé tăng cân nhanh, đủ điều kiện phẫu thuật môi lúc ba tháng tuổi và phẫu thuật vòm lúc một tuổi. "Con lớn lên khỏe mạnh, hòa nhập cùng bạn bè, chúng tôi vô vàn biết ơn các bác sĩ đã giúp hồi sinh cháu", chị nói.
Theo bác sĩ Đẩu, chứng kiến các cháu có được nụ cười lành lặn, tiếng nói rõ ràng, nhiều bé đạt thành tích cao trong học tập, nghệ thuật..., y bác sĩ thêm động lực để tiếp tục điều trị toàn diện loại dị tật này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu (ở giữa) và đồng nghiệp Bệnh viện Nhi đồng 1 trong ca mổ dị tật khe hở môi vòm. Ảnh: Lê Phương
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết phẫu thuật đóng khe hở môi và vòm cho các bé được bệnh viện thực hiện từ khi thành lập, hơn 60 năm trước. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, trẻ chỉ được phẫu thuật đóng kín khe hở môi vòm, dẫn đến khi lớn lên vẫn còn nhiều tồn tại liên quan hình thể, thẩm mỹ, tiếng nói, tâm lý... làm hạn chế khả năng phát triển khi trưởng thành.
Từ năm 2009, bệnh viện triển khai chương trình điều trị toàn diện cho các cháu mắc dị tật hàm ếch. Chương trình này không chỉ dừng lại ở việc phẫu thuật đóng khe hở mà còn mở rộng ra các hạng mục điều trị khác như siêu âm tiền sản để phát hiện bệnh từ trong bào thai, tư vấn tâm lý trước và sau sinh, phẫu thuật, chỉnh nha bằng khí cụ, âm ngữ trị liệu, chăm sóc dinh dưỡng trong thời gian điều trị. Điều này không chỉ giúp trẻ phục hồi về các cấu trúc giải phẫu mà chức năng ngôn ngữ, phát âm cũng trở về bình thường, trẻ tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày sau này.
12 năm qua, số ca mổ không ngừng tăng mỗi năm. Năm năm đầu tiên, số ca mổ đạt khoảng 2.000 thì giai đoạn 5 năm tiếp theo, các bác sĩ thực hiện thêm khoảng 5.000 trường hợp. Trong đó, nhiều trẻ được may mắn theo dõi từ đầu, phẫu thuật ngay giai đoạn sơ sinh. Không ít trẻ đến khi lớn, gia đình mới biết bệnh có thể phẫu thuật và tìm đến bệnh viện.
Dịp tổng kết thành công 10.000 ca mổ, bệnh viện vận hành Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo về chăm sóc toàn diện khe hở môi vòm đầu tiên tại TP HCM. Trung tâm được kỳ vọng không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong phẫu thuật và điều trị khe hở môi vòm an toàn tại Việt Nam mà còn giúp cải tiến kỹ thuật và đào tạo liên quan đến sứt môi, hở vòm miệng.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng mong muốn Bệnh viện Nhi đồng 1 xem đây là một trong những mũi nhọn chuyên khoa để tập trung phát triển, trở thành trung tâm phẫu thuật lớn, đồng thời tiếp tục chú trọng nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật.
Khe hở môi vòm là một dị tật bẩm sinh phổ biến ở trẻ em, có thể phát hiện từ trong bào thai nhờ siêu âm tiền sản. Trẻ chào đời với khiếm khuyết về cấu trúc giải phẫu, mặt bị biến dạng, ảnh hưởng thẩm mỹ, khó bú và nuốt dễ sặc, dễ rối loạn tiêu hóa và suy dinh dưỡng. Nếu không điều trị sớm và thích hợp, trẻ dễ nhiễm khuẩn tai và đường hô hấp nên khả năng nghe kém, ngôn ngữ bị rối loạn, học tập khó, kém phát triển trí tuệ, dễ tổn thương tâm lý...
Lê Phương