Ngày 30/3, đại diện Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết bà Y Ngát, 40 tuổi, ở xã Phước Sơn, và em Hồ Thanh Đảm, 13 tuổi, ở xã Phước Chánh, đều có triệu chứng đau bụng, nôn mửa, chóng mặt. Họ xuất hiện triệu chứng sau khi ăn cá diếc muối chua, còn những người trong gia đình cùng ăn thì không có dấu hiệu bất thường.
"Những biểu hiện của hai bệnh nhân không giống ngộ độc botulinum, chẩn đoán là ngộ độc viêm dạ dày ruột cấp do ăn thực phẩm ô nhiễm", đại diện Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết.
Hai bệnh nhân được điều trị theo phác đồ chữa viêm dạ dày. Hiện hai bệnh nhân sức khỏe ổn định, các bác sĩ tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Đảm. Ảnh: Đắc Thành
Cá muối chua là món ăn truyền thống của người dân tộc Giả Triêng ở Quảng Nam. Trong nửa đầu tháng 3, liên tiếp có 10 người bị ngộ độc botulinum do ăn cá muối chua. Đây là độc tố thần kinh cực mạnh sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc thực phẩm chế biến mất vệ sinh.
Triệu chứng là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.
Đắc Thành