Thông tin được ông Thượng nêu tại Hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, ngày 29/3, thêm rằng đây là tỷ lệ rất thấp. Số nhân viên y tế trên 10.000 dân của thành phố cũng thấp nhất cả nước, tỷ lệ 2,31/10.000, trong khi trung bình cả nước là 7. Điều này dẫn đến TP HCM thiếu bác sĩ, sức khỏe người dân chưa được chăm sóc tốt.

Hiện, TP HCM có hơn 9 triệu dân. Với tỷ lệ trên, thành phố có chưa đến 300 bác sĩ đa khoa thăm khám cho người dân toàn khu vực. Số lượng bác sĩ đa khoa có rất ít tại tuyến y tế cơ sở.

"Vì số lượng bác sĩ đa khoa quá ít nên một số trạm y tế sử dụng bác sĩ chuyên khoa để thay thế", ông Thượng nói. Ông cũng cho rằng có bác sĩ là điều tốt, nhưng bác sĩ chuyên khoa không thể làm được nhiều vì chỉ nắm phần chuyên khoa, không đủ kiến thức y học đầy đủ để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Bác sĩ đa khoa là người có kiến thức chung về các chuyên khoa có thể thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân khi gặp bất kỳ triệu chứng nào mà chưa rõ nguyên nhân. Còn bác sĩ chuyên khoa tức chuyên sâu một lĩnh vực. Trên thực tế, đa số bác sĩ mới tốt nghiệp và trong quá trình làm việc đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, trong khi nhu cầu bác sĩ tổng quát cho tuyến cơ sở ngày càng cao.

Trong cuộc gặp các thầy thuốc tiêu biểu thành phố năm 2022, người đứng đầu Sở Y tế nhìn nhận thực trạng nghịch lý về loại hình bác sĩ tại thành phố, khi số bác sĩ chuyên khoa gấp nhiều lần bác sĩ đa khoa. Trong khi đó, bác sĩ đa khoa đang rất cần cho tuyến y tế cơ sở, như bác sĩ gia đình.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế có cơ chế, chính sách để chuyển đổi tỷ lệ bác sĩ đa khoa đang công tác tại tuyến y tế cơ sở.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực, nhất là bác sĩ đa khoa, ông Thượng đề nghị có chính sách bắt buộc bác sĩ có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở trong một thời gian, như "nghĩa vụ quân sự".

"Nếu luật hóa nghĩa vụ này, tuyến y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người". ông Thượng nói, thêm rằng cũng nên có cơ chế bắt buộc các bác sĩ mới tốt nghiệp có thời gian thực hành tại y tế cơ sở như chương trình TP HCM thí điểm. Hiện có 446 bác sĩ thực hành tại y tế cơ sở, được thành phố hỗ trợ chi phí 60 triệu đồng/18 tháng.

b156bdbbd0e10cbf55f0-168007543-5149-8673-1680076898.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=k9aY11YQSEdaFl4YFf5vfA

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng tại Hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, ngày 29/3. Ảnh: Trần Minh

Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Phan Lê Thu Hằng đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ở y tế cơ sở còn yếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông. Công tác đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế. Nhiều nơi không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ. Các trung tâm y tế huyện rà soát, luân chuyển nhân lực y tế từ nơi thừa sang nơi thiếu, luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên về tuyến xã và ngược lại cũng còn rất hạn chế.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận các địa phương gặp vướng mắc chung về nguồn nhân lực, thiếu cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế yên tâm công tác tại các trạm y tế, khó khăn khi thực hiện luân chuyển bác sĩ tuyến trên về làm việc tại trạm.

Theo ông Tuyên, Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến trên để xây dựng Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, dự kiến trình Ban Bí thư trong tháng 5.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022