Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị có nhiều ca mắc tay chân miệng ghi nhận trong tuần như: Ba Vì (20 ca); Sóc Sơn, Thanh Oai (17 ca); Hà Đông (15 ca); Mê Linh, Hoàng Mai (14 ca); Chương Mỹ, Thanh Trì (12 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 770 ca mắc, tăng 85% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng tại Thanh Oai (03 ổ dịch), Ba Vì (1), Phúc Thọ (1), Hoàng Mai (1). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 16 ổ dịch, trong đó 8 ổ dịch đang hoạt động tại Ba Vì (3), Thanh Oai (3), Phúc Thọ (1), Hoàng Mai (1).
Số ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội tăng, phát hiện thêm ổ dịch mới
Theo nhận định, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả.
Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1 ca mắc sởi; đây là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 (cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc sởi).
Ghi nhận 1 ca mắc ho gà tại Thanh Xuân, giảm 6 ca mắc so với tuần trước; trong năm 2024 ghi nhận 46 ca mắc tại 20 quận, huyện, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%), tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 70% số ca mắc.
Đối với dịch sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận 7 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 576 ca mắc, 0 ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (215/0). Trong tuần không ghi nhận thêm ổ dịch mới, các ca mắc đều là ca tản phát, cộng dồn từ đầu năm đến nay ghi nhận 5 ổ dịch, hiện tại tất cả các ổ dịch đã kết thúc.
Ngoài ra, các dịch bệnh khác như rubella, uốn ván, viêm não Nhật Bản, dại… không ghi nhận ca mắc trong tuần.