Ý kiến được ông Thượng đưa ra ngày 7/12, sau sự việc nhân viên y tế Bệnh viện Quận 7 đến quán nhậu sơ cứu một nạn nhân đang bất tỉnh trong nhà vệ sinh, bị bạn của người này dùng chân đạp mạnh vào lưng. Nửa tháng trước, bác sĩ nơi này cũng bị người nhà bệnh nhân có biểu hiện say rượu, chửi bới, nhục mạ, đuổi theo đánh vào mặt.
Người đứng đầu ngành y tế TP HCM cho rằng tình trạng nhân viên y tế bị hành hung là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và phục vụ, nhất là trong tình huống cấp cứu người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng.
Người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ Bệnh viện Quận 7, khuya 22/11. Ảnh từ camera bệnh viện
Sáng nay, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng đã đến Bệnh viện Quận 7 thăm hỏi, động viên tập thể nhân viên khoa cấp cứu, nhất là nhân viên y tế bị hành hung. Lãnh đạo Sở cũng làm việc với đại diện của Phòng An ninh Chính trị Nội bộ Công an TP HCM, UBND quận 7, Công an phường Tân Phú, bàn các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự y tế và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ.
Sở yêu cầu bệnh viện rà soát và củng cố quy trình báo động "Code grey" về an ninh trật tự do Sở Y tế ban hành. Trong đó, lưu ý thời gian kích hoạt đến công an địa phương để được hỗ trợ kịp thời. Bệnh viện triển khai thêm các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình huống thân nhân người bệnh bất ngờ gây rối hoặc hành hung như phân luồng tiếp nhận, quy trình sàng lọc, nhận diện được các nguy cơ tiềm ẩn gây rối an ninh trật tự, tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ tại các điểm nóng.
Lãnh đạo Sở mong lực lượng công an quan tâm và tăng cường hỗ trợ cho bệnh viện triển khai hiệu quả quy trình báo động "Code grey".
Khảo sát của Bộ Y tế, những năm gần đây không tháng nào không xảy ra các vụ bạo hành y bác sĩ, từ nhẹ đến nặng, tại bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước. Y bác sĩ khoa cấp cứu cho biết thường bị mắng chửi "nhiều như cơm bữa", "hầu như ngày nào cũng có". Nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân đột nhiên xông vào phòng cấp cứu đuổi đánh, cầm dao rượt bác sĩ dọa giết, thậm chí bác sĩ chưa kịp nói gì đã lao vào động tay động chân.
Cửa khoa cấp cứu bệnh viện tại Hàn Quốc treo dòng chữ "Tấn công nhân viên y tế sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến chung thân". Ảnh: Sở Y tế TP HCM
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế như tuyển thêm nhân viên an ninh, theo dõi camera, hạn chế số lượng khách đến thăm người bệnh, cho phép nhân viên y tế mang súng vào bệnh viện để tự vệ... Ở Mỹ, các hành vi tấn công gây thương tổn thân thể cho nhân viên y tế có thể bị phạt tù, tiền tùy mức độ vi phạm.
Lê Phương