Không phải cứ cận thị đeo kính là xong
Chị Hương chia sẻ, từ lúc sinh ra đến giờ chị chưa bao giờ đưa con đi khám mắt. Chỉ đến dạo gần đây thấy con thường xuyên nháy mắt trái, tranh thủ mẹ đi mổ cận chị cũng tiện đăng ký khám mắt chuyên sâu cho con.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bác sĩ phát hiện con gái chị Hương bị cận thị lệch với số độ cao, mắt trái cận -9 diop trong khi mắt phải chỉ -2 diop. Chị Hương ngạc nhiên: "Trước nay con chưa từng kêu ca việc mắt không nhìn rõ nên tôi chủ quan không đưa con đi khám. Bây giờ tôi cũng đã hiểu vì sao kết quả học tập năm lớp 1 của con không được tốt vì con bé được xếp ngồi gần cuối lớp".
Tuy nhiên điều khiến chị Hương lo lắng hơn là khi con bị cận thị có thể gây ra biến chứng nguy hiểm ở mắt, dẫn tới mất thị lực, thậm chí mù loà. Bởi trước nay chị vẫn nghĩ đơn giản cận thị thì đeo kính theo độ cận để mắt nhìn rõ hơn là được.
Lý giải điều này, ThS.BS Hoàng Thanh Nga cho biết: "Bệnh nhân bị cận thị lệch với số độ cao, thị lực chủ yếu tập trung ở mắt phải nên vẫn có thể nhìn thấy vật ở gần. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không kịp thời phát hiện và điều trị có thể gây ra ảnh hưởng không hồi phục đến thị lực.
Cụ thể với trường hợp con chị Hương, khi thị lực tập trung chủ yếu ở mắt phải, chức năng nhìn ở mắt trái sẽ dần mất đi hay còn gọi là nhược thị. Bệnh nhân lại đang trong độ tuổi phát triển về thị giác, độ cận thị có khả năng tiếp tục tăng càng làm tăng nguy cơ gây mất thị lực.
Theo ThS.BS Thanh Nga, cận thị nặng có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực
Vì vậy, trước mắt với độ cận cao và lệch cao như hiện nay, con chị Hương chưa thích nghi được với kính gọng nên cần đeo kính áp tròng để đạt được thị lực tối ưu, kết hợp với sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Mắt cận thị có nguy cơ gặp biến chứng cao gấp 10 lần mắt thường
"Người bị cận thị với độ cận cao có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn gấp 10 lần mắt thường", ThS.BS Thanh Nga khẳng định.
Cũng theo bác sĩ khi bị cận thị nặng, trục nhãn cầu dài hơn gây thiếu hụt khả năng cung cấp máu, từ đó khiến cho tình trạng đục thủy tinh thể, glocom đến sớm hơn. Võng mạc bị kéo mỏng hơn, lâu dần dễ dẫn tới bị thoái hóa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của người bệnh.
Người mắc cận thị tiến triển với số độ tăng nhanh từ -1diop/năm trở lên thường sẽ có độ cận cao, điều này không đơn giản chỉ là giảm thị lực mà còn có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm tại võng mạc dẫn tới khả năng gây mù cao như bong, rách võng mạc, xuất huyết dịch kính, xuất huyết hoàng điểm… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Cận thị là tật khúc xạ phổ biến hiện nay ở mọi lứa tuổi, với biểu hiện chủ yếu là mắt nhìn mờ, nhòe, không rõ nét vật ở xa nhưng lại thấy rõ vật ở gần. Nhiều người xem kính cận là "cứu tinh" cho đôi mắt nhưng bản chất của việc đeo kính chỉ giúp nhìn rõ hơn chứ không thể ngăn ngừa tình trạng tiến triển của cận thị.
ThS.BS Thanh Nga khuyến cáo, người cận thị hay không bị cận thị tốt nhất nên khám mắt định kỳ 6 tháng một lần để kiểm soát tốt tật khúc xạ, phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm ở mắt ảnh hưởng đến thị lực.