"Tôi rất sốc khi tỉnh lại trên giường bệnh", anh cho biết, giải thích rằng nghĩ đến việc không thể nào đứng dậy chứ chưa nói đến hoạt động bình thường, cảm xúc bi quan "không lẽ đời mình phải gắn với xe lăn, rồi mọi thứ sẽ về đâu".

Anh là kỹ sư xây dựng. Tháng trước, khi đang bận rộn công việc ở công trường, anh đột ngột cảm thấy nói chuyện rất khó khăn. Nghĩ bị say nắng do thời tiết nóng bức, anh vào chỗ mát ngồi nghỉ ngơi. Khoảng hai giờ sau anh cảm thấy tay phải yếu dần. Đồng nghiệp nhận thấy có điều không ổn, đưa anh đến một bệnh viện gần công trường, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não, chuyển sang Bệnh viện Quân y 175. Lúc này đã trễ so với thời gian vàng 4,5-6 giờ kể từ khi anh Thanh khởi phát đột quỵ, bác sĩ không thể điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết hay can thiệp nội mạch lấy huyết khối để giúp mạch máu não lưu thông lại.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Diệu, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết một số trường hợp nhập viện sau 6-24 giờ khởi phát bác sĩ vẫn có thể cố gắng can thiệp nhưng điều kiện đòi hỏi nghiêm ngặt, tỷ lệ phục hồi kém hơn người vào viện sớm. Trường hợp anh Thanh đã không thể áp dụng những biện pháp cứu chữa trên, các bác sĩ quyết định chỉ điều trị dự phòng đột quỵ, ngăn ngừa tái phát.

"Bệnh nhân có biểu hiện rung nhĩ là nguyên nhân gây đột quỵ, phải sử dụng thuốc kháng đông dự phòng", bác sĩ Diệu nói. Sau gần một tuần điều trị, tình trạng anh Thanh cải thiện dần, tiếp tục tập phục hồi chức năng sau đột quỵ.

img-20241021-162449-1729502848-8672-8592-1729562999.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tZElzLKm0ASOmpQ81-cZ4Q

Bác sĩ kiểm tra chức năng vận động một bệnh nhân trẻ tại Đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Lê Phương

Người đột quỵ ở tuổi còn trẻ như anh Thanh đang có xu hướng tăng nhanh. Bệnh viện Quân y 175 ghi nhận từ đầu năm đến nay tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Họ dưới 45 tuổi, không ít bệnh nhân xấp xỉ 30 tuổi, vốn khỏe mạnh hoặc không phát hiện bệnh lý nguy hiểm trước đó, song khi vào viện thì đột quỵ đã rất nặng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ghi nhận đột quỵ không còn là căn bệnh của người già và phổ biến từ tuổi 60 như trước. Khoảng 10-15% ca đột quỵ trên toàn thế giới xảy ra ở người dưới 45 tuổi. Con số này đang gia tăng báo động, đặc biệt ở đô thị phát triển nhanh.

Ở Việt Nam, năm 2023 Bộ Y tế ghi nhận khoảng 5-7% số ca đột quỵ là người dưới 45 tuổi, có xu hướng ngày càng phổ biến những năm gần đây. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tỷ lệ này còn cao hơn, liên quan lối sống và áp lực công việc trong môi trường đô thị hóa.

Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho rằng một trong những vấn đề là người bệnh đến viện quá muộn, đáng tiếc là một số trường hợp chỉ cách viện chưa tới 10 km, như anh Thanh, cũng vào viện trễ. Bệnh nhân đều cho biết không nhận ra các triệu chứng ban đầu của đột quỵ, hoặc nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác như say nắng, mệt mỏi.

"Thời gian là yếu tố quyết định trực tiếp đến khả năng điều trị và phục hồi của người bệnh sau đột quỵ", bác sĩ Nghĩa nói, thêm rằng mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào não có thể bị tổn thương không thể phục hồi.

Đột quỵ ở người trẻ thường nặng nề và để lại những hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều người giữ được tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều chức năng cơ thể, tàn phế, mất sức lao động và tạo gánh nặng cho gia đình, tác động nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe.

Theo bác sĩ Nghĩa, nhiều người trẻ đột quỵ do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là đời sống hiện đại nhiều stress và ăn uống không lành mạnh, lối sống tĩnh tại ít vận động, cùng với sự gia tăng các bệnh lý như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường... Không ít người đột quỵ vì không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan không kiểm soát bệnh này. Các nguyên nhân khác như bất thường cấu trúc hay rối loạn chức năng tim mạch chiếm tỷ lệ cao ở người bệnh đột quỵ trẻ tuổi.

do-t-quy-1729503008-2193-1729562999.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Upbvo-5Z8u938TFzx7tADw

Bác sĩ khảo sát mạch máu não bằng siêu âm Doppler xuyên sọ bệnh nhân sau đột quỵ. Ảnh: Lê Phương

Các bác sĩ xác định người bệnh đột quỵ trẻ hay cao tuổi đều cần có cơ hội để phục hồi chức năng, bất kể tình trạng nặng hay nhẹ. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ đánh giá mọi khía cạnh về khả năng phục hồi, lên kế hoạch phục hồi các chức năng vận động, ngôn ngữ, điều trị các di chứng. Riêng người bệnh trẻ, việc hỗ trợ tâm lý đóng vai trò quan trọng, giúp họ không tổn thương một lần nữa do tái phát đột quỵ hoặc có cảm giác "bị bỏ rơi trên chiếc xe lăn".

Sau khi được bác sĩ thực hiện khảo sát dẫn truyền vận động, anh Thanh bắt đầu le lói hy vọng khi nhận kết quả "vẫn còn khả năng phục hồi vận động". Anh đang kiên trì các bài tập phục hồi chức năng, kết hợp kích thích từ trường xuyên sọ.

"Mọi thứ đối với tôi bây giờ đều đáng quý, từ chức năng cử động của tay chân hay chỉ đơn giản là những lời nói, điều mà trước đây tôi chưa bao giờ cảm nhận được", anh nói.

Đột quỵ có biểu hiện đa dạng. Để phát hiện kịp thời và đơn giản, Hội Đột quỵ Thế giới khuyến cáo kiểm tra theo quy tắc F.A.S.T. Trong đó, F là Face - mặt, yêu cầu người bệnh cười hoặc nhăn mặt, nếu một bên mặt bị xệ hoặc không thể cử động bình thường có thể là dấu hiệu của đột quỵ. A là Arms - tay, yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên, cảnh giác nếu một tay yếu hoặc rơi xuống, không thể giữ vững.

S là Speech - lời nói, người bệnh lặp lại một câu đơn giản, nếu nói không rõ hoặc không thể nói được có thể là dấu hiệu của đột quỵ. T là Time - thời gian, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, đưa người bệnh đến cơ sở có khả năng cấp cứu điều trị đột quỵ gần nhất. Thời gian là yếu tố quyết định trong việc điều trị đột quỵ, việc hành động nhanh chóng có thể cứu sống người bệnh và giảm thiểu tổn thương não. Tuyệt đối không trì hoãn hay sơ cứu tại chỗ vì làm mất đi cơ hội điều trị.

Lê Phương

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022