Tại lớp học múa ở quận 9, TP HCM, nhóm phụ nữ trong những bộ váy lụa mềm mại chuyển động nhẹ nhàng theo tiếng nhạc. Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy, 42 tuổi, hướng dẫn các học viên từng động tác từ đơn giản đến phức tạp theo bài "Xuân tụng". Mỗi bước múa, mỗi vòng xoay vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ, giúp từng người tham gia như hóa thân thành nhân vật trong những câu chuyện thần thoại.
Hà Linh, 35 tuổi, nữ nhân viên văn phòng, tham gia lớp múa ba buổi mỗi tuần sau giờ làm. Tình cờ xem một video múa trên mạng, cô bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mềm mại và sống động của các động tác. Sau vài buổi, Linh nhận ra múa cổ trang không chỉ rèn thể lực mà còn giúp bồi dưỡng tinh thần.
"Khi âm nhạc bắt đầu, tôi cảm giác như được thoát khỏi cuộc sống thường nhật, trở thành một nhân vật trong phim cổ trang, nhẹ nhàng mà tự do", Linh chia sẻ.
Dù lúc đầu còn lóng ngóng, nay cơ thể cô đã linh hoạt, uyển chuyển hơn. Đặc biệt, những căng thẳng, áp lực thường ngày dường như tan biến sau mỗi buổi tập. Cô quyết định gắn bó lâu dài với bộ môn, một tuần tập 3 buổi, giá khoảng 100.000 đồng/buổi.
Chị Phạm Hiếu Thi, 39 tuổi, cùng con gái Nguyễn Ngọc Như Ý, 13 tuổi, cũng tìm đến lớp múa như một cách để giải tỏa áp lực. Với họ, đây không chỉ là nơi rèn luyện sức khỏe mà còn là không gian để khám phá văn hóa và nghệ thuật. Người phụ nữ học thử 1-2 buổi rồi tham gia lớp trải nghiệm, giá 70.000 đồng/buổi/ người, sau đó quyết định theo học lớp 1:1.
"Múa cổ trang không chỉ giúp cơ thể tôi trở nên dẻo dai mà còn mang lại tinh thần thư thái, an yên", chị Thi cho biết.

Chị Thi (thứ hai từ phải sang) và con gái (thứ ba từ trái sang) cùng các học viên tại một lớp học múa cổ trang. Ảnh: Giáo viên cung cấp
Múa cổ trang, được biết đến với nguồn gốc từ các điệu múa cung đình và dân gian cổ Trung Quốc, đã được biên đạo, biến tấu để phù hợp hơn với thể chất và sở thích của người Việt. Loại hình nghệ thuật này du nhập vào Việt Nam từ năm 2019, nhưng thực sự bùng nổ từ cuối năm 2023 nhờ sự lan tỏa của các video trên mạng xã hội. Theo khảo sát, TP HCM hiện có hơn 20 trung tâm và nhóm múa, phục vụ gần 2.000 học viên. Những bài đăng tìm lớp múa trên các hội nhóm Facebook thu hút nhiều sự quan tâm.
Cô Thủy chia sẻ rằng trung tâm của cô mới mở từ năm ngoái nhưng đã phát triển nhanh chóng. "Ban đầu chỉ có một lớp, nhưng nay đã tăng lên năm lớp, với học viên chủ yếu trong độ tuổi từ 13 đến 45. Phần lớn đều đến để cải thiện sức khỏe và giải trí", người phụ nữ nói.
Theo cô, múa cổ trang không quá khó để bắt đầu, với nhiều bài múa đơn giản, dễ tiếp cận. Song, bộ môn này không chỉ đòi hỏi sự dẻo dai mà còn cần khả năng kiểm soát cơ thể tốt để thực hiện các động tác mạnh mẽ mà chính xác. Khi tập luyện đều đặn, dáng người trở nên thanh thoát hơn, tư thế tốt hơn và sức bền được cải thiện đáng kể.

Các lớp học dạy máu cổ trang nở rộ, Ảnh: Ảnh chụp màn hình
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ, giải thích: "Múa cổ trang có nét tương đồng với một số bài trong đông y, nhìn chung đều mang lại lợi ích thể chất và tinh thần". Theo đó, động tác chậm rãi kết hợp với âm nhạc giúp kích thích lưu thông máu, giảm căng cơ và cải thiện sự linh hoạt. Bài tập múa tạo ra chuyển động nhẹ nhàng nhưng tiêu tốn năng lượng một cách hiệu quả, tốt cho hệ cơ xương khớp, đặc biệt ở phụ nữ trung niên và cao tuổi.
Âm nhạc cổ trang dịu dàng, kết hợp với các động tác múa có khả năng làm dịu tâm hồn. Người tập phải dồn sự tập trung để thực hiện từng động tác chính xác, từ đó quên đi căng thẳng trong cuộc sống. Các lớp múa cổ trang cũng sử dụng trang phục đẹp mắt và phụ kiện như quạt, kiếm hay lụa, giúp tăng sự tự tin, tăng thái độ tích cực, giảm lo âu.
Thực tế, nhiều phụ nữ tìm được niềm vui từ việc tập luyện chung và giao lưu với những người có cùng sở thích, giúp xóa bỏ cảm giác cô đơn. Theo Clever Care Health Plan, các bước nhảy và chuyển động nhịp nhàng trong điệu múa còn có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện khả năng phối hợp và cải thiện tâm trạng.
Mai Anh, 30 tuổi, học viên một trung tâm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết ban đầu học múa để quay được một video đẹp "sống ảo" trên mạng xã hội. Song, cô nhận ra lợi ích nhiều hơn thế. Các động tác cơ thể dần uyển chuyển hơn, gương mặt cũng bộc lộ cảm xúc tốt, giúp người phụ nữ yêu đời, suy nghĩ tích cực. Đến nay, cô đã học được 4 bài khác nhau và chọn bài nhạc yêu thích "thực hành" mỗi khi căng thẳng.

Học viên múa bài Xuân Tam Nguyệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tuy múa cổ trang mang vẻ đẹp uyển chuyển, nhẹ nhàng, nhưng con đường chinh phục bộ môn này không hề "trải đầy hoa hồng", cô Thủy nói. Những khó khăn ban đầu thường khiến người mới nản lòng. Cơ thể chưa quen với các động tác xoay, vặn mình, uốn dẻo, dẫn đến đau nhức, mỏi mệt. Việc giữ thăng bằng, kiểm soát từng bước di chuyển, kết hợp nhuần nhuyễn tay, chân và biểu cảm gương mặt cũng là một thử thách không nhỏ.
Hơn nữa, để thể hiện được cái "hồn" của điệu múa, người học cần phải có sự kiên trì, tỉ mỉ, khả năng cảm thụ âm nhạc và văn hóa sâu sắc.
"Điều này đòi hỏi một quá trình rèn luyện lâu dài và nghiêm túc, chứ không chỉ đơn thuần là bắt chước động tác", Linh bày tỏ, sau hơn một năm gắn bó cùng múa cổ trang.
Thúy Quỳnh