Tác phẩm xoay quanh nhóm du kích bám trụ ở Củ Chi sau trận càn Cedar Falls (năm 1967) của Mỹ. Dự án là phim chiến tranh được làm từ ngân sách xã hội hóa, hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Một ngày sau buổi ra mắt ở TP HCM, Bùi Thạc Chuyên cho biết hạnh phúc vì đứa con tinh thần ra đời sau hơn 10 năm ấp ủ, nhưng cũng còn nhiều tiếc nuối.

- Anh theo dõi những đánh giá về tác phẩm từ công chúng ra sao?

- Tôi biết ơn từng khán giả đã ngồi suốt 128 phút, và hy vọng tác phẩm không quá nặng nề với họ. Sau đêm công chiếu, tôi thức để đọc từng dòng chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội. Với những lời khen, chúng tôi muốn nói đó không phải vì tài năng của đoàn phim, mà chính nhờ vùng đất Củ Chi, với những con người bình dị mà phi thường.

Diễn viên Cao Minh (đóng vai chú Sáu, cấp trên của đội du kích trong phim) nói với tôi anh quê ở Củ Chi, nhưng nhiều năm qua không còn nhớ nhiều thứ về mảnh đất này. Phim làm sống lại trong anh ký ức quê hương.

bui-thac-chuyen-thai-hoa-17435-7776-7314-1743588752.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=70CakbAVvGMNJTCv559P0w

Bùi Thạc Chuyên (phải) bên diễn viên chính Thái Hòa trong buổi công chiếu ở TP HCM hôm 31/3. Ảnh: Thanh Huyền

- Anh nghĩ sao trước nhận xét phim thiếu những cảnh kịch tính, đẩy cảm xúc lên cao trào?

- Cũng nhiều người nói với tôi sau khi xem rằng có những cảnh họ muốn khóc, nhưng sự xúc động vừa dâng lên thì ngừng lại. Đó là dụng ý của tôi, muốn giữ cho khán giả sự tỉnh táo để suy ngẫm, học những bài học lịch sử về chiến tranh, từ đó có chính kiến của họ. Địa đạo được quay theo phong cách phim tài liệu, nên tôi không muốn đẩy không khí lên mức bi lụy, nói cách khác là "sến".

Nếu làm theo màu sắc "fiction" (hư cấu), khán giả có thể sẽ khóc "bù lu bù loa" đấy, nhưng ra khỏi rạp họ sẽ quên ngay. Tôi muốn để lại "hậu vị", một cái gì đó khiến người ta phải nghĩ, day dứt. Phong cách làm phim của tôi xưa nay là vậy, luôn đề cao người xem, đặt họ ngang vị trí với tôi. Ngay cả với diễn viên, tôi cũng yêu cầu họ không được diễn mọi nét đau khổ ra bên ngoài, mà nỗi đau phải ẩn chứa bên trong, thể hiện qua ánh mắt.

trailer-phim-dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-du-kien-ra-rap--1741771781.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=w1UvVi_Q1PRcdrWR8vRFcA
Trailer phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" - dự kiến ra rạp đầu tháng 4

Trailer "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" (dán nhãn 16+). Video: Đoàn phim cung cấp

- Phim có hai cảnh "nóng", trong đó có một cảnh của đôi tình nhân tìm thấy nhau ở cái kết. Dụng ý của anh ở tình tiết này?

- Hai cảnh làm tình trong phim thuộc về bản năng con người. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh cận kề cái chết, họ khát khao được sống những giây phút cuối cùng. Phim có những phân đoạn thể hiện chuyện tình cảm bị dồn nén trong thời chiến, như trên mặt đất địch thả bom, dưới địa đạo hai cơ thể quấn lấy nhau. Có những người đã nói lời vĩnh biệt, khi gặp lại, cảm xúc trong họ càng mãnh liệt hơn. Tôi mong khán giả cảm nhận được điều tôi gửi gắm.

- Anh tiếc nuối gì khi xem lại phim trên màn ảnh rộng?

- Thời lượng bản dựng đầu tiên là khoảng 3,5 tiếng, ra rạp tôi cắt còn hơn hai tiếng vì thấy quá dài. Có nhân vật tôi phải bỏ hoàn toàn, như vai của Mai Thế Hiệp. Anh ấy xin bằng được vai xác chết, mất hai giờ hóa trang vết thương, đóng cảnh trôi lềnh bềnh trên sông suốt hai ngày. Có những đoạn khiến tôi đau đớn khi cắt, như cái kết của nhân vật chính Bảy Theo (Thái Hòa đóng). Khi quay, tôi khóc suốt vì Hòa diễn quá cảm xúc, sau vẫn phải đổi một cảnh khác hợp lý hơn.

Thời lượng hạn chế làm ảnh hưởng đến cấu trúc của phim. Đây cũng là một trong những điều khiến tôi lo lắng, bởi làm không khéo thì khán giả khó cảm nhận. Chẳng hạn, chúng tôi nghiên cứu về Củ Chi nên hiểu được địa đạo gồm ba hầm với chức năng riêng biệt như phòng họp, phòng nấu ăn, phòng ngủ. Nhưng trên màn ảnh, người xem có thể khó phân biệt được hầm nào, dù tôi đã yêu cầu họa sĩ thiết kế từng hầm với chất liệu riêng. Do đó, tôi phải tìm cách dẫn dắt, ví dụ phòng họp có treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

hau-truong-lam-ham-quay-phim-dia-dao-1741769727.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RXLVlxDQCwSV3nJMJ7PSlg
Hậu trường làm hầm quay phim "Địa đạo"

Hậu trường làm hầm 250 m mô phỏng địa đạo Củ Chi. Video: Đoàn phim cung cấp

- 10 năm ấp ủ, anh chắt lọc tư liệu ra sao để đưa vào kịch bản?

- Trong các tài liệu từng đọc, tôi nhớ hồi ký của một cựu chiến binh ở Củ Chi, là ông ngoại của vợ diễn viên Thái Hòa. Ông viết một lần nằm võng ở địa đạo, nghe các cô ở hầm bên cạnh hỏi nhau: "Chồng chết hay con chết thì buồn hơn?". Một cô trả lời: "Chồng chết buồn hơn, vì con chết thì còn sinh được con khác". Mẩu đối thoại đó khiến tôi ám ảnh, bởi nó thể hiện tâm lý của một bộ phận con người thời chiến. Họ xem cái chết như một điều bình thường, thản nhiên, có thể cân đong đo đếm và không quá bi lụy. Tôi đưa vào phim những câu thoại tương tự để khán giả hình dung về thực tế khắc nghiệt.

Hoặc ở phân cảnh nhóm du kích đón chú Sáu đến thăm địa đạo, họ nói: "Chú phải về đây ở thật lâu thì mới biết", để miêu tả cuộc sống trong lòng đất. Đó là lời thoại tôi lấy cảm hứng từ câu nói của anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực - người góp phần chế tạo mìn gạt trong cuộc chiến ở Củ Chi.

- Kỳ vọng của anh về tác phẩm?

- Doanh thu là điều khó đoán trước, tôi mong phim chạm đến nhiều khán giả. Năm ngoái, tôi sang Malaysia, được biết phim doanh thu cao nhất mọi thời của họ là về cuộc chiến của dân tộc với thực dân Anh. Phim ăn khách nhất của Hàn Quốc cũng thuộc dòng lịch sử, xoay quanh công cuộc bảo vệ đất nước. Tôi tự hỏi vì sao dòng phim này vẫn chưa đến được với đông đảo người xem trong nước.

Tác phẩm được đầu tư lớn, con số chúng tôi chưa ước lượng được cụ thể. Dù vậy, êkíp vẫn thiếu kinh phí, phải quay phim trong tình cảnh "giật gấu vá vai". Ngay cả các nhà đầu tư cũng thừa nhận đang mạo hiểm, song họ vẫn góp vốn vì tin đây là một đề tài hấp dẫn, có thể mở ra một dòng phim ăn khách.

Đạo diễn - biên kịch Bùi Thạc Chuyên 57 tuổi, sinh tại Hà Nội. Năm 1995, anh học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1997, anh theo học đạo diễn, gây chú ý với Cuốc xe đêm - tác phẩm Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Năm 2005, phim Sống trong sợ hãi của anh giành nhiều giải trong nước và quốc tế.

Năm 2022, Tro tàn rực rỡ - phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Ngọc Tư - đoạt nhiều giải trong và ngoài nước, trong đó có Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2023. Song song làm phim, Bùi Thạc Chuyên tham gia giảng dạy điện ảnh. Năm 2002, đạo diễn sáng lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hội Điện ảnh Việt Nam.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022