Chị Bích Vân mua 8.500 cổ phiếu HAG và 3.700 cổ phiếu TNH lần lượt từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2 với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn. Cả hai mã đều ghi nhận nhịp tăng khá tốt vào cuối tháng 2, riêng TNH có phiên đạt giá trần giúp chị có lãi gần 10%, còn HAG đạt hiệu suất khoảng 12%. Thời điểm đó, chị Vân không bán ra vì quan sát thấy thị trường chung đang vào nhịp tăng liên tục, xấp xỉ mốc tâm lý quan trọng 1.300 điểm, nên kỳ vọng 2 cổ phiếu sớm tăng thêm.
Tuy nhiên, TNH điều chỉnh liên tục từ đầu tháng 3, đến nay ghi nhận mức lỗ gần 9%. HAG cũng có diễn biến tương tự, chị Vân chưa chịu lỗ nhưng mọi khoản lãi trước đó bị cuốn bay. "Tôi nghĩ thị trường đã vào sóng chính, nhưng rốt cuộc tăng chưa được bao nhiêu đã rớt trở lại", nhà đầu tư này chia sẻ.
Cũng ghi nhận danh mục lỗ, anh Huỳnh Nghĩa có 4.000 cổ phiếu FRT với hiệu suất âm 8,5% sau gần một năm nắm giữ. Nhà đầu tư này ban đầu cầm 5.000 cổ phiếu từ giữa tháng 5/2024 ở vùng giá trên 165.000 đồng, chưa xác định thời gian bán ra cụ thể. Khoảng 3 tháng sau, FRT tăng gần 13% so với lúc mua, anh Nghĩa tạm chốt lời trước 1.000 cổ phiếu, số còn lại quyết định nắm giữ lâu hơn. Thời điểm đó, anh đọc các báo cáo phân tích và nhận thấy lợi nhuận doanh nghiệp đang quay lại xu hướng tích cực, mùa cao điểm cũng rơi vào quý IV và quý đầu năm.
Đến cuối tháng 1 năm nay, FRT leo lên tới 206.000 đồng một cổ phiếu, anh Nghĩa do dự có nên bán ra không nhưng được bạn khuyên giữ thêm, chờ tăng lên vùng 210.000-215.000 đồng. "Giờ nhìn lại danh mục, tôi tiếc nuối vì bản thân không kiên định chốt lời từ sớm", anh nói.
Không riêng hai trường hợp trên, nhiều nhà đầu tư khác cũng chung cảnh ngộ khi thị trường gần đây liên tục đi xuống.
Chốt phiên 28/3, VN-Index giảm hơn 4 điểm so với tuần trước, nối dài đà đi lùi ở tuần thứ 2 liên tiếp. Sang phiên 31/3, thị trường mất hơn 10 điểm. Trước đó, chứng khoán đã vào nhịp tăng kéo dài 8 tuần từ trước Tết Nguyên đán, riêng từ cuối tháng 2, chỉ số đại diện sàn HoSE vượt 1.300 điểm và giữ vững đến tận hôm nay.
Lý giải với VnExpress, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích của Chứng khoán Thiên Việt (TVS), cho rằng nếu so sánh giá đóng cửa của phiên 31/3 với đỉnh ngắn hạn gần nhất (quanh 1.340 điểm), VN-Index đang thấp hơn 2,5%. Đây là mức điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh chứng khoán khởi tạo sóng tăng từ vùng hỗ trợ 1.220 điểm và tích lũy hơn 9% tính tới đỉnh ngắn hạn. Trong cùng giai đoạn, một số chỉ số quan trọng tại châu Á như KOSPI (Hàn Quốc) hay Nikkei 225 (Nhật Bản) đều giảm đáng kể với biên độ 6,5%.
Việc một bộ phận nhà đầu tư có hiệu suất danh mục chưa đạt kỳ vọng chủ yếu đến từ lý do không lựa chọn đúng nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền. "Chứng khoán đầu năm 2025 là thị trường phân hóa với các cổ phiếu tăng giá chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong khi nhiều nhóm ngành khác đi ngang hoặc thậm chí dò đáy mới", ông Tâm nhận định.
Thống kê của TVS cho thấy từ đầu năm, cổ phiếu bất động sản tăng 19,8%; tài nguyên cơ bản tăng 13,9%; dịch vụ tài chính tích lũy 7,2%; ngân hàng đạt 5,3%. Trong khi đó, các mã thuộc ngành bán lẻ đã giảm 3,2%; thực phẩm và đồ uống rơi 5,8%; công nghệ thông tin còn có bước lùi tới 19,2%.

Hiệu suất một số nhóm cổ phiếu trong 3 tháng đầu năm 2025. Ảnh: TVS
Trong phần bình luận phiên cuối tuần trước, nhóm phân tích VnDirect cũng cho rằng mặc dù vẫn có một số mã tăng vượt đỉnh, đa số nhóm cổ phiếu trên thị trường chỉ kịp tăng quanh 5-10%, đã phải rơi điểm sau đó "nhường sân" cho nhóm khác nổi lên. Cứ thế, kịch bản này tiếp diễn xuyên suốt tháng qua khiến thị trường không ghi nhận nhóm ngành nào đạt hiệu suất tốt trên 3-4 tuần.
"Chúng ta đã phải giao dịch trên một thị trường đi ngang kéo dài gần một năm, chứng khoán mới kịp tăng được một tháng đã phải chững lại rồi đi ngang tiếp. Điều này gây ra sự ức chế rất lớn cho nhà đầu tư theo xu hướng nắm giữ", chuyên viên phân tích VnDirect bình luận.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập công ty tư vấn và ủy thác đầu tư FinSuccess, không chỉ cá nhân, nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng đang ghi nhận hiệu suất âm. Trong đó, nhóm đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản (fundamental) có thể chịu ảnh hưởng trong thời gian ngắn hạn khi loạt mã chứng khoán "quốc dân" như FPT, VNM hay PNJ đều chịu áp lực bán lớn, đẩy thị giá giảm khá sâu.
Ngược lại, nhiều cá nhân và tổ chức bị lỡ cơ hội nắm giữ những cổ phiếu dẫn dắt thị trường, nhất là bộ đôi "họ Vin" gồm VIC và VHM. Nguyên nhân có thể do lịch sử giá của nhóm này không tốt ở quá khứ.
Ngày 2/4, Chính phủ Mỹ thực hiện áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ các nước có chênh lệch thuế suất và thặng dư thương mại, theo tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. TVS cho rằng một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể là đối tượng chịu thuế và tin tức này trong ngắn hạn khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên theo quan sát của ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, thị trường một số quốc gia bị Mỹ áp thuế thường giảm nhẹ, sau đó tăng trở lại. "Việc điều chỉnh của thị trường có thể chỉ là ngắn hạn và không ảnh hưởng xu hướng tăng của VN-Index trong năm 2025", chuyên gia TVS nhấn mạnh.
Song song đó, ông Nguyễn Thành Trung cũng cho rằng thị trường đang phản ứng thái quá với các nhóm ngành không bị ảnh hưởng trước thông tin thuế quan của Mỹ. Gần đây, nhiều cổ phiếu thuộc ngành điện, nước bị bán mạnh, trong khi chính sách thuế của Trump không tác động trực tiếp nhiều tới nhóm này.

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán trong một phiên giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương
Để tránh rơi vào tình cảnh ức chế khi "chưa lãi bao nhiêu đã lỗ trở lại", người sáng lập FinSuccess khuyên nhóm thích "lướt sóng" nên đặt rõ điểm chốt lời và cắt lỗ dựa trên kỳ vọng lợi nhuận và khả năng chịu rủi ro của bản thân. Từ đó, nhà đầu tư bắt buộc phải giao dịch theo đúng nguyên tắc đề ra để có hiệu suất đầu tư tốt nhất.
Còn với nhóm nắm giữ dài dạn nên tập trung các cổ phiếu có nền tảng tốt, đứng đầu ngành. Nhà đầu tư nên kiên định với mục tiêu lâu dài, tránh bị ảnh hưởng bởi các diễn biến trái chiều trong ngắn hạn vì một thị trường vào chu kỳ tăng giá vẫn có thể xuất hiện các nhịp rung lắc nhất định.
Tất Đạt