Ý kiến được ông Thượng chia sẻ tại hội nghị Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế TP HCM tổ chức, ngày 22/8.

Gần đây, ngành y tế liên tiếp phát hiện các cơ sở quảng cáo, thực hiện các dịch vụ làm đẹp trái phép. Trong đó, xuất hiện nhiều vi phạm mới, "nở rộ" nhiều loại hình dịch vụ như "tăng size cậu nhỏ", "làm đẹp cô bé", "làm hồng nhũ hoa"... Bên cạnh những cơ sở "chui" len lỏi trong khu dân cư, chung cư, có không ít cơ sở khang trang mở ở mặt tiền đường lớn nhưng hoạt động khám chữa bệnh không phép.

Thành phố cũng ghi nhận nhiều hoạt động "núp bóng" trong các cơ sở có giấy phép, thực hiện thẩm mỹ bởi những "bác sĩ tay ngang", không có chuyên môn y tế. Không ít nơi bên ngoài là trung tâm ngoại ngữ, cơ sở kinh doanh, bên trong tổ chức dạy nghề, tiêm chích thẩm mỹ, hội thảo y tế trái phép.

"Sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ đang trở thành vấn đề đáng lo ngại", ông Thượng nói. Nhiều cơ sở khi bị kiểm tra, phát hiện sai phạm đã thay tên đổi họ, di chuyển qua những địa bàn khác hoạt động tiếp. Một số trường hợp tìm cách đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra, như kích hoạt chuông báo cháy giả để "bác sĩ" tẩu thoát.

Theo BS.CK2 Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM, lĩnh vực làm đẹp bao gồm hai nhóm là y tế và phi y tế. TP HCM có 772 cơ sở thẩm mỹ y tế gồm bệnh viện thẩm mỹ, khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu. Trong khi đó, số cơ sở thẩm mỹ phi y tế nhiều gấp hơn 5 lần, với 3.891 cơ sở.

Bác sĩ Hân cho rằng ranh giới giữa hai nhóm này là thách thức lớn trong quản lý, kiểm soát. Các cơ sở làm đẹp phi y tế (chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, làm móng, phun, xăm, thêu trên da) không cần phải xin giấy phép hoạt động của ngành y tế, song thường lén lút "lấn sân" y tế, thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn hoặc ít xâm lấn như tiêm chất làm đầy, botox xóa nhăn, tiêm vi điểm, laser thẩm mỹ da...

"78% đơn thư phản ánh đến cơ quan thanh tra là vụ việc liên quan thẩm mỹ", ông Hân nói. Quảng cáo trên các kênh trực tuyến, nền tảng mạng xã hội hiện rất dễ dàng, chi phí thấp, tốc độ lan truyền nhanh, nhiều cơ sở đã sử dụng để trục lợi, lừa đảo. Các sản phẩm, dịch vụ làm đẹp được quảng cáo rầm rộ, nội dung không được kiểm chứng, nói quá sự thật, đánh vào tâm lý muốn "dịch vụ đẹp, rẻ, nhanh, cam kết mạnh", dẫn dắt người tiêu dùng đến những cơ sở trái phép, gây nhiều biến chứng.

Tại Bệnh viện Da Liễu TP HCM, mỗi năm khoảng 200-500 bệnh nhân đến khám vì gặp sự cố thẩm mỹ nội khoa. BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, giám đốc bệnh viện, cho biết 69% tai biến liên quan thủ thuật tiêm chích. Có những người bị di chứng không thể hồi phục như mù mắt sau tiêm chất làm đầy (filler) nâng mũi, sẹo xấu sau đốt nốt ruồi. Phần lớn trường hợp tai biến do thực hiện từ spa, thẩm mỹ viện chưa được cấp phép, người thực hiện không phải bác sĩ thẩm mỹ, không đảm bảo điều kiện vô khuẩn, dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, thiết bị không đảm bảo chất lượng...

tai-bie-n-tha-m-my-4088-170539-6157-8785-1724319734.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TNNt30ZWtwB6dFt2KOdR3Q

Một bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước thực tế trên, từ giữa tháng 4, Sở Y tế TP HCM lập Tổ công tác đặc biệt quản lý quảng cáo trái phép trong lĩnh vực y tế trên mạng xã hội, chủ động tìm kiếm thông tin quảng cáo, phát hiện các cơ sở nghi ngờ để đến kiểm tra, thay vì đợi xảy ra tai biến hoặc có phản ánh từ người dân, báo chí mới đi kiểm tra, xử lý như trước.

Ngành y tế phối hợp Sở Lao động Thương binh xã hội quản lý hoạt động đào tạo, dạy nghề. Thanh tra y tế phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, gửi hồ sơ sang cơ quan điều tra của Công an TP HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự. Sở cũng yêu cầu các bệnh viện báo cáo nhanh khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ biến chứng liên quan thẩm mỹ, nhằm ngăn chặn các biến chứng xảy ra liên tiếp.

Theo ông Thượng, so với các nước phát triển, quy định pháp luật Việt Nam vẫn còn một số khoảng trống chưa theo kịp thực tiễn, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. TP HCM đang triển khai ba nhóm giải pháp được nhiều nước vận dụng nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ, gồm: siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ; nâng cao nhận thức của khách hàng; quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ.

Ngoài ra, ngành y tế TP HCM sẽ chuẩn hóa quy trình điều trị, cùng các chuyên gia đầu ngành soạn thảo các phác đồ trong điều trị thẩm mỹ. Sở Y tế cũng sẽ xây dựng hồ sơ số hóa về thẩm mỹ, yêu cầu các phòng khám, bệnh viện phải tuân thủ nghiêm trong việc lập hồ sơ bệnh án, cập nhật toàn bộ dữ liệu về sở.

Người dân được cảnh báo khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội không nên vội vàng tin ngay. Cần kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh không phép, gọi đường dây nóng 0989.401.155 hoặc phản ánh qua ứng dụng Y tế trực tuyến để thanh tra có thông tin, kịp thời phát hiện, xử lý.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022