Yêu cầu này được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, nêu trong văn bản gửi các địa phương, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, hôm 12/2. Theo đó, thời gian gần đây tình hình bệnh cúm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng tăng.
Khảo sát của VnExpress cho thấy các hệ thống bán lẻ lớn ghi nhận lượng khách tìm mua các sản phẩm điều trị cảm cúm tăng mạnh, trong đó riêng Tamiflu bán ra cao gấp 7 lần bình thường. Một số người mua thuốc xách tay với giá từ một triệu đến 1,5 triệu đồng mỗi vỉ, bất chấp rủi ro về chất lượng.
Vì vậy, để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trên bảo đảm nguồn cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm.
"Kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý, sẽ bị xử lý", Bộ Y tế nêu.
Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm mùa, cúm A, được yêu cầu khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng. Cơ sở bán lẻ thuốc phải bán thuốc theo đơn, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi. Các hành vi lợi dụng, tăng giá bán sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp hai lần.
![1-1739362664-7949-1739362724.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=orbQ-OILn3--IWEkFpec2Q](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/1-1739362664-7949-1739362724.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=orbQ-OILn3--IWEkFpec2Q)
Tamiflu là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Ảnh: Thùy Linh
Cúm mùa là bệnh lưu hành quanh năm, nhưng thường tăng mạnh vào thời điểm lạnh ẩm như tháng 1-2 hoặc 6-7. Bộ Y tế hiện nay ghi nhận số ca mắc tăng nhẹ, chủ yếu do virus cúm A/H3N2, H1N1 và cúm B gây ra. Hầu hết ca bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo mọi người cần cảnh giác, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi và người mắc bệnh nền.
Theo các bác sĩ, Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir chỉ có hiệu quả nếu sử dụng đúng cách: bắt đầu trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng cúm, và chỉ với bệnh nhân được chẩn đoán chính xác cúm A hoặc B, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao. Ngoài khoảng thời gian đó, thuốc gần như không còn hiệu quả, thậm chí có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng như buồn nôn, đau đầu và ảnh hưởng đến gan.
Vì vậy, người dân được khuyến cáo không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt không cần tích trữ Tamiflu. Thay vào đó cần có biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả như tiêm vaccine cúm hàng năm, duy trì vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi dịch cúm bùng phát.
Lê Nga