Trả lời:
Dầu là nguồn chất béo quan trọng trong nhóm dinh dưỡng chính, cung cấp năng lượng thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Thiếu dầu trong khẩu phần có thể khiến trẻ chậm phát triển, biếng ăn, còi xương hoặc dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều dầu có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Vì vậy, việc cân đối lượng dầu tiêu thụ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Hiện nay, nhiều người lo ngại về tình trạng dầu ăn giả xuất hiện trên thị trường. Thực tế, việc phân biệt dầu thật, giả bằng mắt thường hay dựa vào bao bì là rất khó do công nghệ làm giả ngày càng tinh vi. Thông tin về các chất độc hại hoặc hình thức gian lận trong dầu ăn vẫn chưa được làm rõ.
Một số người có thể nhận biết dầu kém chất lượng qua mùi và vị; dầu chuẩn sẽ không có mùi lạ, không ôi, không hôi và giữ được hương thơm đặc trưng của lạc, vừng hoặc các loại nguyên liệu tự nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kinh nghiệm này.
Màu sắc của dầu cũng là yếu tố nên chú ý; dầu chất lượng thường có màu vàng nhạt, sáng rõ, không đen hoặc đục. Dù vậy, các thủ đoạn pha trộn hoặc sử dụng bao bì giả khiến việc phát hiện dầu kém chất lượng càng khó khăn hơn.

Nên lựa chọn dầu ăn có nguồn gốc uy tín để giảm nguy cơ hàng giả. Ảnh: Bùi Thủy
Bác sĩ khuyến cáo để hạn chế nguy cơ, nên chọn mua những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh và còn thời hạn sử dụng. Mọi người nên hạn chế ăn quán ăn vỉa hè, sử dụng dầu chiên đi chiên lại, nguy cơ biến tính, gây hại sức khỏe. Khi nấu, bạn không nên chiên dầu ở nhiệt độ quá cao, nguy cơ cháy khét thức ăn. Nên dùng dầu ăn phù hợp độ tuổi.
Nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, để dầu ở lọ sành, chai thủy tinh sạch và khô ráo, tránh đựng trong đồ vật bằng kim loại. Không cất nơi quá nóng, tránh ánh sáng, đậy kín chai sau mỗi lần dùng.
PGS.TS Nguyễn Duy ThịnhViện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội