Giáo sư Franklin Joseph là bác sĩ giàu kinh nghiệm về nội tiết, tiểu đường, béo phì. Ông hiện là chủ tịch Hiệp hội về tiểu đường tại Western Cheshire, Anh, và là chủ một phòng khám chuyên về dinh dưỡng, giảm béo phì. Bác sĩ cho biết hầu hết khách hàng đều gặp vấn đề về nhận biết tín hiệu đói của cơ thể và đó là một trong những tác nhân khiến họ khó kiểm soát cân nặng: "Mọi người nói với tôi rằng họ luôn đói - thậm chí ngay sau khi ăn - nhưng trong hầu hết các trường hợp, đó không phải là cơn đói thực sự".

donat-definicija-hrane-2-1-102-9860-4197-1748221540.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=beF-UCBHGlKYfsuvIUDzag

Những cơn đói 'giả' dễ khiến bạn sa đà vào các món ăn vặt kém lành mạnh - một trong nhiều nguyên nhân khiến bạn mãi không giảm được cân.

Cơn đói thực sự sẽ xuất hiện dần dần và đi kèm với các dấu hiệu vật lý như sôi bụng hoặc mức năng lượng thấp. Nếu cảm giác đói đột nhiên xuất hiện hoặc nhanh chóng biến mất sau khi uống nước hoặc không còn cảm thấy nữa trong lúc làm việc khác, thì có lẽ đó không phải là cơn đói thực sự. Chuyên gia cho biết có ba tín hiệu phổ biến của cơ thể khiến bạn dễ nhầm lẫn là đói bụng, từ đó hình thành thói quen ăn ngay cả khi cơ thể chưa có nhu cầu, dẫn đến tăng cân, khó giảm cân: "Hãy sửa ba thói quen này và bạn sẽ kiểm soát được cơn thèm ăn hiệu quả hơn".

Không uống đủ nước

Theo Giáo sư Joseph, mất nước nhẹ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cảm giác đói. Ông giải thích: "Ngay cả khi chỉ thiếu một chút nước cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và thèm đường hoặc đồ ăn nhẹ - trong khi thực tế, thứ bạn cần chỉ là một cốc nước". Chuyên gia khuyến khích uống một cốc nước lớn ngay khi thức dậy vào buổi sáng và uống nước bất cứ khi nào bạn cảm thấy thèm ăn vặt.

shutterstock-511513108-1748162-2843-9121-1748221540.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UBcWOnADoaK4LAtBzJ_gsg

Bằng cách uống nước, bạn sẽ bớt cảm thấy thèm ăn đồng thời có thêm thời gian để nhận biết cơ thể có thực sự cần đến đồ ăn hay không.

Không ngủ đủ giấc

Chuyên gia nhận định thiếu ngủ, ngủ không ngon sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các hormone kiểm soát sự thèm ăn. "Khi bạn thiếu ngủ, cơ thể sẽ sản xuất nhiều ghrelin hơn - loại hormone báo hiệu bạn đói, và ít leptin hơn - loại hormone báo hiệu bạn đã no. Kết quả là gì? Bạn sẽ thèm tinh bột, đường và đồ ăn vặt, ngay cả khi bạn vừa ăn xong một bữa no nê", bác sĩ chuyên về nội tiết cho biết.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Ông Joseph cho biết việc ăn quá ít một nhóm chất nào đó cũng dẫn đến cảm giác thèm ăn, khiến bạn khó nhận biết tín hiệu đói thật sự của cơ thể. "Nếu bạn ăn những bữa ít protein hoặc chất xơ, lượng đường trong máu sẽ giảm ngay sau đó - và bạn sẽ sớm cảm thấy đói trở lại", chuyên gia khuyến khích bổ sung nguồn protein nạc (như thịt gà, cá, các loại hạt đậu), rau giàu chất xơ và carbohydrate giải phóng chậm vào mỗi bữa ăn để duy trì cảm giác no lâu hơn, từ đó cũng giúp giảm thèm ăn, kiểm soát chế độ ăn trong ngày hiệu quả hơn.

not-eating-enough-food-1748161-7000-6551-1748221540.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=St8PK127yoYm0OR7hTpn-w

Bữa ăn thiếu hụt dinh dưỡng, kiêng khem quá mức cũng khiến bạn thường xuyên thấy thèm ăn, nhanh đói.

Duk Sun (Theo Sun)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022