Ngày 1/5, TS.BS Giang Minh Nhật, Phó trưởng khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện nhân dân Gia Định, cho biết bệnh nhân được bệnh viện thẩm mỹ chuyển đến với tình trạng tổn thương đa tạng liên quan sốc phản vệ, trong đó tổn thương cơ tim và phổi (biểu hiện ARDS) là nghiêm trọng nhất.
Các bác sĩ thực hiện V-AV ECMO trong vòng 30 phút. Đây là một hình thức lai ghép tiên tiến giữa V-V ECMO (hỗ trợ phổi) và V-A ECMO (hỗ trợ tim). Kỹ thuật này rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và nhiều kinh nghiệm.
ThS.BS Võ Văn Trắng, thành viên êkíp, cho biết sau 3 ngày can thiệp, tình trạng sốc tim và tổn thương cơ tim cải thiện rõ rệt, tổn thương phổi cũng dần phục hồi. Đến ngày thứ 4, người bệnh được ngưng ECMO và tiếp tục điều trị tích cực. Sau 8 ngày, bệnh nhân vừa xuất viện với các chức năng tạng gần như trở lại bình thường.
"Đây là một kết quả đáng kinh ngạc đối với một ca bệnh phức tạp như vậy", bác sĩ Trắng nói, thêm rằng kỹ thuật lai ghép dù phức tạp và đòi hỏi nguồn lực lớn, đã mở ra hy vọng cho những trường hợp tưởng chừng không thể qua khỏi. Hai năm qua, bệnh viện đã cứu sống 4 trường hợp suy đa tạng nghiêm trọng do sốc phản vệ hoặc ngừng tim bằng kỹ thuật này.
Theo bác sĩ Nhật, hầu hết tổn thương cơ tim sau ngừng tim hay sốc phản vệ nặng có thể tự hồi phục trong vòng 48-72 giờ. Hỗ trợ tuần hoàn sớm khi có chỉ định để ổn định nhanh chóng huyết động và tưới máu tạng, điều chỉnh tích cực rối loạn chuyển hóa, kiểm soát thân nhiệt... là chìa khóa then chốt trong hồi sức các trường hợp suy đa tạng nặng do sốc phản vệ hay ngừng tim.

Bác sĩ gây mê cho bệnh nhân trong phòng mổ. Ảnh: Quỳnh Trần
Lê Phương