Trả lời:
Không có khái niệm "cơ thể người có tính axit" hay "tính axit trong máu", đổ mồ hôi tính làm tăng tính axit trong máu người. Theo y khoa, muỗi không đốt ngẫu nhiên mà bị thu hút bởi một số yếu tố sinh học, hóa học và môi trường.
Nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Y khoa Nhật Bản chỉ ra muỗi, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti, bị thu hút bởi người có nhóm máu O hơn nhóm máu A, B hoặc AB. Bên cạnh đó, người có mùi cơ thể đặc trưng (do vi khuẩn trên da phân hủy mồ hôi) thường hấp dẫn muỗi hơn. Thực tế, hệ vi khuẩn trên da mỗi người khác nhau, ảnh hưởng đến mùi cơ thể. Một số loại vi khuẩn (như Staphylococcus) tạo ra mùi thu hút muỗi, trong khi các vi khuẩn khác có thể khiến muỗi né tránh.
Nhiệt độ cơ thể cao cũng thu hút muỗi. Trong đó, phụ nữ mang thai thường có thân nhiệt cao hơn bình thường, khiến họ trở thành mục tiêu ưa thích.
Lượng CO2 thải ra cũng thu hút muỗi. Về nguyên lý, muỗi dựa vào carbon dioxide (CO2) để tìm vật chủ hút máu. Khi chúng ta thở ra, CO2 từ phổi không hòa lẫn vào không khí ngay lập tức. CO2 tạm thời tập trung dưới dạng chùm khí mà muỗi có thể bay theo. Muỗi bắt đầu tự định hướng theo nhịp thở và tiếp tục bay theo chiều gió khi chúng đánh hơi thấy mật độ CO2 cao hơn thông thường trong không khí. Các nghiên cứu cho thấy muỗi có thể phát hiện ra CO2 từ cách xa khoảng 50 mét.
Người đổ mồ hôi nhiều hoặc không lau sạch mồ hôi sau khi vận động dễ bị muỗi tấn công hơn. Ngoài ra, muỗi bị thu hút bởi màu tối như đen, xanh đậm, đỏ hơn là màu sáng như trắng, vàng. Một số hormone (như estrogen) có thể làm tăng khả năng thu hút muỗi ở phụ nữ trong một số giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt.

Ảnh minh họa: Borkin Vadim
Bác sĩ Đoàn Dư MạnhHội Bệnh mạch máu Việt Nam