Bệnh nhi L.Đ.D.M (4 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng suy tim nặng. Các bác sĩ thực hiện siêu âm tim và các xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhi được chẩn đoán bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát kích thước lớn, gây suy tim.

Đây là tình trạng lỗ thủng bất thường ở vách ngăn giữa 2 tâm nhĩ, làm cho máu ở 2 tâm nhĩ trộn lẫn và gây rối loạn dòng chảy của máu trong tim, tăng lưu lượng máu lên phổi, gây tăng áp phổi, suy tim... Ở bệnh nhi này đã xuất hiện tình trạng tăng áp phổi nặng, suy tim và giãn lớn tim phải.

Sau hội chẩn đa chuyên khoa để xem xét kĩ đặc điểm giải phẫu, các bác sĩ nhận thấy lỗ thông liên nhĩ của bé không thể can thiệp qua da để bít kín được bằng dụng cụ. Bé được điều trị nội khoa ổn định tình trạng tăng áp phổi và suy tim, sau đó được lựa chọn phẫu thuật tim nội soi để vá lỗ thông liên nhĩ. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi hồi phục nhanh chóng, được xuất viện sớm với kết quả rất tốt.

mot-ca-phau-thuat-tim-bam-sinh-tai-bv-dhyd-tphcm-2-1663981235166669267821-1664003813345-1664003814023642534123.jpg

Trẻ được can thiệp điều trị bệnh tim bẩm sinh, ảnh Minh Trí.

Dấu hiệu cảnh báo tim có vấn đề

TS. BS Cao Đằng Khang – Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (BV ĐHYD TPHCM) - cho biết theo tỉ lệ chung, cứ 1000 trẻ sẽ có khoảng 8 trẻ mắc tim bẩm sinh. Theo số liệu chưa được báo cáo đầy đủ, ước tính ở Việt Nam, số trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh là khoảng 10.000-15.000 trẻ mỗi năm.

Với sự phát triển của siêu âm tim thai và các chương trình sàng lọc bệnh tim bẩm sinh sớm, sẽ có ngày càng nhiều ca mắc bệnh tim bẩm sinh được phát hiện. Việc cập nhật các chẩn đoán và điều trị tim bẩm sinh có ý nghĩa lớn trong công tác chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho trẻ em Việt Nam.

  • Nghiên cứu khoa học: Mắc COVID triệu chứng nhẹ cũng có thể tăng nguy cơ bị bệnh timĐọc ngay

TS.BS Cao Đằng Khang cho biết với đa số các bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là bệnh lý phức tạp, quá trình điều trị thường kéo dài, sau phẫu thuật vẫn phải theo dõi suốt đời. Do đó, các bệnh nhi cần được thăm khám định kỳ tại các Trung tâm Tim mạch chuyên sâu để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể không có triệu chứng hoặc có những biểu hiện rất nhẹ nhàng dễ bỏ sót. Trẻ mắc bệnh có thể có một hoặc nhiều dấu hiệu gợi ý sau đây:

- Bú khó, vã mồ hôi, thở hổn hển khi bú: Đôi khi trẻ phải ngưng lại để thở.

- Thường xuyên bị viêm phổi.

- Suy dinh dưỡng, chậm lớn không tìm được nguyên nhân.

- Mau chóng bị mệt khi chơi đùa cùng bạn bè trang lứa.

- Tím môi, tím đầu ngón tay ngón chân. Trong trường hợp muộn thì đầu ngón tay ngón chân biến dạng sưng lên nên được gọi là "ngón tay dùi trống".

- Một số trường hợp bố mẹ có thể nhận thấy lồng ngực con mình nhô cao bất thường, gọi là lồng ngực hình ức gà.

- Một số trường hợp bố mẹ có thể nghe được tiếng thổi phụt khi áp tai vào ngực trẻ.

Một số trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh có dấu hiệu đầu tiên là sốc, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Ngược lại, cũng có một số bệnh không biểu hiện rõ mà chỉ phát hiện tình cờ hoặc rất muộn sau này. Có một điều cần lưu ý là với bệnh tim bẩm sinh, rất hiếm trường hợp gây đau ngực.

Tại Hội nghị khoa học Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm nay, các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh đã được báo cáo rất sinh động bởi các chuyên gia đầu ngành. Đặc biệt, việc chẩn đoán và phối hợp điều trị Hội chứng thiểu sản tim trái tại Việt Nam đã được các chuyên gia thảo luận và bước đầu đi đến các thống nhất ban đầu. Đây là một bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp, kết quả điều trị tại nước ta còn hạn chế trong khi việc triển khai siêu âm tim bào thai đang phát hiện nhiều trường hợp bệnh lý phức tạp này.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022