Nghị quyết của Chính phủ ngày 10/7 nêu nguồn kinh phí mua vaccine tiêm chủng mở rộng trích từ ngân sách dự phòng trung ương. Căn cứ nhu cầu của các địa phương năm 2023 và nửa đầu năm 2024, Bộ Y tế xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo mua vaccine, gửi Bộ Tài chính trước 15/7 để trình cấp có thẩm quyền.
Bộ Y tế hướng dẫn địa phương xác định nhu cầu vaccine theo từng loại và lộ trình tiếp nhận.
Tiêm vacine 6 trong 1 cho trẻ tại TP HCM, tháng 5/2023. Ảnh: Minh Tâm
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tại Việt Nam từ năm 1981, do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Chương trình có mục tiêu ban đầu là tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới một tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Từ năm 1985, toàn bộ trẻ em dưới một tuổi trên toàn quốc đã được tiếp cận với Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến năm 2010, đã có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình gồm vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng xảy ra tại nhiều địa phương do vướng mắc trong quá trình chuyển đổi cơ chế từ mua sắm vaccine bằng ngân sách trung ương sang chuyển giao cho các địa phương.
Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết đến tháng 6, toàn quốc có 9/11 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia còn đủ số lượng; đang thiếu 2 loại vaccine 5 trong 1 (phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib), vaccine 3 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Viết Tuân