"Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất sắp xếp cho bà chạy thận cấp cứu trong một tháng, giờ sắp hết thời gian rồi mà chưa tìm được chỗ, không biết sắp tới phải thế nào", anh Thức nói khi đứng bên ngoài hàng lang phòng bệnh đợi mẹ chạy thận, ngày 25/9.

Mẹ anh là bà Lê Thị Hồng, 70 tuổi, quê Phổ Phong, Quảng Ngãi. Khoảng 7 năm trước, bà được phát hiện suy thận cùng nhiều bệnh nền như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, quá khả năng điều trị của bệnh viện địa phương. Bà vào TP HCM, nhiều đợt nhập viện chạy thận cấp cứu và chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân. Những lần bệnh thuyên giảm, bà sang điều trị tại Bệnh viện Quận Bình Tân, gần nơi thuê trọ của hai mẹ con.

Hơn một tháng trước, bệnh diễn tiến nặng, bà được chuyển từ Bình Tân đến Bệnh viện Thống Nhất. Khi tình trạng mẹ tạm ổn, anh Thức quay về bệnh viện Bình Tân liên hệ chạy thận tiếp theo định kỳ 3 lần/tuần thì không còn máy nữa.

"Tôi đến Bệnh viện Quận Bình Tân 3 lần đều được trả lời phải đợi sắp xếp, sang bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Chợ Rẫy, Bình Dân hỏi thăm cũng không còn máy", anh nói. Sức khỏe của mẹ ngày càng yếu, anh lo lắng "nếu ngưng chạy thận tầm một tuần chắc mẹ khó qua khỏi".

Nằm trên băng ca ở hành lang đợi đến giờ chạy thận, ông Lê Văn Long, 60 tuổi, ngụ Hóc Môn, cho biết vài tuần qua vợ con ông đã liên hệ các bệnh viện tuyến quận Hóc Môn, Củ Chi, quận 12 nhưng không tìm được chỗ chạy thận, chỉ được "ghi tên lại chờ thông báo". Ông bị đái tháo đường, tăng huyết áp hơn 10 năm, hơn một tháng trước phát hiện suy thận giai đoạn cuối. Bác sĩ đã phẫu thuật tạo đường vào mạch máu, đợi tìm được chỗ sẽ chạy thận nhân tạo định kỳ. Thế nhưng ông không tìm được chỗ nào nên phải quay lại Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu, vừa được giải quyết chạy thận hai lần.

"Tôi là thương binh, vợ là lao động chính còn nuôi con nhỏ, chạy thận ở các bệnh viện tư thì gia đình không đủ khả năng chi trả, còn bệnh viện các quận quá xa nhà vợ không thể chở tôi đi thường xuyên", ông nói.

20240925-085611-1727320288-9927-1727320812.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-LvdnLahHU23U9zOY-Qd0g

Bà Cao Thị Kiều, 61 tuổi, tai biến hơn hai năm trước, suy thận hơn một tháng nay, đến các bệnh viện Quận Bình Tân, Nguyễn Tri Phương không có chỗ chạy thận nên quay lại Bệnh viện Thống Nhất chạy thận cấp cứu, ngày 25/9. Ảnh: Lê Phương

Tương tự, trong thời gian chờ tìm chỗ lọc máu chạy thận, ông Nguyễn Văn Thành, 50 tuổi, sưng phù người, mắt nhìn mờ, phải nhập viện cấp cứu. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết cùng hai con đến một số nơi như Bệnh viện Bưu điện, Nhân dân 115, Chợ Rẫy liên hệ song bất thành.

"Ngưng chạy thận một tuần là bệnh chuyển nặng liền, chồng tôi đang là trụ cột kinh tế gia đình, nếu ngắt quãng điều trị hoài chỉ sợ sức khỏe càng tụt dốc nhanh", bà Hồng nói, thêm rằng vừa lo lắng khổ sở vì bệnh, vừa xoay tiền điều trị, giờ lại thêm nỗi lo thiếu máy nên "càng cảm thấy mệt mỏi kiệt quệ".

PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết nơi đây "luôn trong tình trạng căng thẳng, stress vì quá tải bệnh nhân chạy thận, không biết xoay xở thế nào để giúp người bệnh được điều trị". Tình trạng này kéo dài thời gian qua, nhân viên y tế cố gắng tìm cách giải quyết, song gần đây lượng bệnh ngày càng tăng, khoa không thể đáp ứng hết. Người bệnh phải vất vả tìm kiếm nơi chạy thận chưa kể nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe vì gián đoạn điều trị.

Nơi này có 48 máy chạy thận nhân tạo, hiện 3 máy hỏng chờ sửa chữa, khoảng 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ. Hơn 30 nhân viên của khoa chia theo ca kíp hoạt động liên tục 24/24. Các máy chạy tối đa 20 giờ/ngày, luân phiên nghỉ 4 giờ để bảo trì, rửa máy. Ở các nước phát triển, một máy chạy thận thường chỉ làm việc khoảng 8 giờ mỗi ngày.

"Chúng tôi luôn dành riêng 5 máy để chạy thận cấp cứu nhưng vẫn không xuể", bác sĩ nói. Bên cạnh lượng bệnh nhân mới, những trường hợp nặng từ các tỉnh chuyển đến. Các máy luôn hoạt động hết công suất vì nhiều người tìm không được chỗ chạy thận, quay lại trong tình trạng nặng.

Chạy thận nhân tạo cấp cứu đang được xem là giải pháp tình thế cho các trường hợp không tìm được chỗ chạy thận định kỳ lâu dài. Trong khi đó, một người có chỉ định chạy thận nhân tạo thường phải duy trì lịch chạy định kỳ một tuần ba lần. Việc này gián đoạn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến bệnh nhanh chóng diễn tiến nặng hơn, ảnh hưởng tính mạng.

Tại sự kiện về bệnh thận hai tuần trước, Ths.BS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết ước tính cả nước có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, song mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Cha-y-tha-n-o-BV-Cho-Ra-y-1-9628-1727320813.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3UlCus-Cc_aMOLs5YYTaUw

Bệnh nhân chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Phùng Tiên

Theo bác sĩ Bách, thực trạng này đặt ra ba vấn đề. Thứ nhất, cần đầu tư thêm nhiều trung tâm chạy thận nhân tạo, giúp bệnh nhân có cơ hội tiếp cận điều trị. Bởi, khi đã suy thận mạn giai đoạn cuối, bệnh nhân đòi hỏi phải điều trị thay thế thận, bằng một trong ba phương pháp là chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

Thứ hai, những bệnh nhân điều kiện phù hợp nên áp dụng phương pháp lọc màng bụng tại nhà, không cần phải một tuần ba lần vào viện chạy thận nhân tạo, song đòi hỏi phải có một phòng riêng để lọc, bác sĩ đánh giá kỹ hơn về chuyên môn để chọn lựa. Lọc màng bụng bằng máy, bệnh nhân phải trang bị máy khoảng 200 triệu đồng, còn chi phí hàng tháng đã được bảo hiểm y tế chi trả.

Ước tính chi phí một tháng chạy thận nhân tạo khoảng 2,5-12 triệu đồng (tùy chất lượng, dịch vụ từng nơi) sau khi trừ bảo hiểm y tế, còn lọc màng bụng tốn khoảng 2,8-3,4 triệu đồng (bao gồm tiền dịch lọc, thuốc, xét nghiệm hàng tháng). Ở nhiều nơi như Hong Kong, Singapore, tỷ lệ bệnh nhân lọc màng bụng chiếm khoảng 70-80%, trong khi Việt Nam chỉ 5-6%.

Ngoài ra, Việt Nam cần cố gắng nâng tỷ lệ ghép thận - phương pháp thay thế thận tối ưu nhất. Trở ngại lớn nhất hiện nay chính là nguồn tạng hiến khan hiếm và chi phí ghép khoảng vài trăm triệu đồng, vẫn còn cao so với thu nhập của nhiều người. Hiện, tỷ lệ ghép thận ở nước ta chỉ chiếm khoảng 1% số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

"Nếu nâng được tỷ lệ ghép thận lên 5%, lọc màng bụng lên khoảng 10%, khối chạy thận nhân tạo sẽ được giải áp đáng kể", bác sĩ phân tích. Bác sĩ kỳ vọng có thêm nguồn tạng hiến từ người chết não như các nước, hiện đa số các ca ghép thận là từ người cho sống nên số lượng còn rất hạn chế.

Thứ ba, cần tăng cường ý thức phòng tránh bệnh thận, tầm soát phát hiện sớm các bất thường để chữa trị. Hiện nay, nhiều bệnh nhân lần đầu đến khám do bất thường sức khỏe, cũng là lúc nhận tin phải chạy thận suốt đời. Đa số bệnh diễn tiến âm thầm, khiến mọi người không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi diễn tiến nặng. Bệnh thận khi đã có triệu chứng thường là giai đoạn trễ, nếu tầm soát và xử lý kịp thời, có thể ngăn diễn tiến thành suy thận mạn tính giai đoạn cuối.

Bác sĩ khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Để phòng ngừa bệnh thận, cần uống nhiều nước, nên khởi đầu ngày mới với cốc nước 300 ml, ngay từ lúc ngủ dậy, giúp thanh lọc cơ thể. Ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn mặn. Tăng cường vận động thể lực. Tránh chất kích thích, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

Kiểm soát tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường. Không ít người mắc những bệnh này nhưng không tuân thủ điều trị của bác sĩ, do thấy bản thân vẫn khỏe, dẫn đến biến chứng suy thận. Cẩn trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc giảm đau, thuốc đông y, thực phẩm chức năng không hợp lý... Từng có những bệnh nhân ngoài 20 tuổi không thể hồi phục chức năng thận, phải chạy thận suốt đời, do tổn thương quá nặng sau khi uống thuốc trôi nổi mua trên mạng để giảm cân.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022