Cây dành dành còn được gọi là cây chi tử, cây thủy hoàng chi có tên khoa học làGardenia jasminoides Ellis, thuộc họ thiên thảo -Rubiaceae.
1. Công dụng của dành dành đối với sức khỏe
Mỗi một bộ phận của cây dành dành đều chứa các hợp chất tốt cho sức khỏe với ứng dụng khác nhau, cụ thể:
- Lá: chứa iridoid cerbinal.
- Vỏ của quả: chứa axit ursolic.
- Hạt của quả: chứa hợp chất iridoid glycosid như shanzhiside, gardosid,... cùng các axit hữu cơ, sắc tố α - crosin và α - crocetin.
- Hoa: chứa tinh dầu và steroid.
Không phải ai cũng biết tác dụng của cây dành dành và dưới đây là những tác dụng cây mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý không được tự ý sử dụng lá, thân, rễ hay quả dành dành để chữa bệnh mà chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
- Chống viêm nhiễm
Theo một nghiên cứu được công bố trênThư viện NIHthì hai hợp chất genipocytes và genipins trong tinh dầu Gardenia có tác dụng kháng viêm. Trong đó, chiết xuất từ lá dành dành có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn được ứng dụng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh và các kích thích từ môi trường bên ngoài gây ra.
Hoa dành dành màu trắng với mùi thơm đặc trưng (Ảnh: ST)
- Giảm trầm cảm và lo âu
Theo nghiên cứu của Đại học Trung y Nam Kinhthì cây dành dành với tinh dầu sau khi chiết xuất được ứng dụng trong liệu pháp mùi hương với tác dụng làm dịu tâm trạng, thư giãn và giảm căng thẳng cũng như tăng cường chất lượng giấc ngủ.
- Chống béo phì
Một nghiên cứu từ Tạp chí Dinh dưỡng thể chất và Hóa sinhcho biết cây dành dành chứa hợp chất genipin có tác dụng thúc đẩy quá trình sản xuất enzyme trong quá trình tiêu hóa chất béo từ đó hỗ trợ giảm cân.
Đồng thời chiết xuất này còn giúp kiểm soát mức lipid bất thường, rối loạn dung nạp glucose và nồng độ insulin cao.
- Hỗ trợ tiêu hoá
Vỏ quả của cây dành dành chứa hợp chất axit ursolic có liên quan tới khả năng hỗ trợ và ngăn ngừa viêm nhiễm tại đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét và nhiễm trùng liên quan tới vi khuẩn HP hay trào ngược axit dạ dày.
Ngoài ra theoViện y tế Quốc gia Hoa Kỳthì hợp chất axit ursolic có nhiều tác dụng dược lý, bao gồm các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn và kháng nấm khác.
Quả cây dành dành có nhiều công dụng trong chữa bệnh (Ảnh: ST)
- Tăng cường lưu thông máu, giảm mệt mỏi và đau nhức
Tinh dầu từ cây dành dành có tác dụng kích hoạt lưu thông máu khi được sử dụng như một loại dầu xoa bóp.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu được công bố trênFood Bioscience, tinh dầu từ cây dành dành cũng giúp giảm đau nhức và khó chịu có liên quan tới hội chứng tiền kinh nguyệt và viêm khớp cũng như giảm chấn thương liên quan tới tập luyện thể thao do mệt mỏi cơ gây ra như bong gân và chuột rút cơ bắp.
- Giảm nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp
Mùi thơm đặc trưng của hoa dành dành được lưu truyền rằng có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị các vấn đề hô hấp do cảm lạnh gây ra. Bạn có thể sử dụng tinh dầu dành dành trong các máy khuếch tán để giảm đau họng, nghẹt mũi, tắc xoang và viêm đường hô hấp. Bên cạnh đó tính kháng khuẩn của dành dành cũng giúp tăng lợi ích khi sử dụng.
Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trêntạp chí Biomedicine & Pharmacotherapycho thấy, Crocetin có trong cây dành dành có tác dụng trong điều trị các tổn thương phổi do bức xạ ở chuột. Tuy vậy, cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi khẳng định chắc chắn.
- Tăng cường sức khỏe cho da
Dầu dành dành được xem như một chất dưỡng ẩm tự nhiên cho làn da khô bằng cách thúc đẩy tăng độ bóng và khắc phục các tổn thương giúp làn da thêm trẻ khỏe hơn.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chíJournal of Biomedicine and Pharmacotherapycho thấy, dành dành chứa Ferulic Acid - là một chất chống oxy hóa mạnh giúp củng cố thành tế bào chống lại các tác hại do vi khuẩn hoặc ánh nắng mặt trời gây ra.
Hoa dành dành phơi khô (Ảnh: ST)
2. Bài thuốc từ cây dành dành
Y học cổ truyền cho rằng cây dành dành có vị đắng, tính hàn; vào các kinh tâm, phế, can và vị. Các bài thuốc từ cây dành dành có thể chữa chứng đi tiểu ra máu, chảy máu cam, sưng hoặc đau mắt đỏ, nôn ra máu, vàng da do viêm gan, tâm phiền, sốt cao,... (tả hỏa trừ phiền, thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, giải độc). Trong đó quả và rễ dành dành được ứng dụng nhiều nhất.
- Bài thuốc từ hoa dành dành
+Chữa phế nhiệt, ho có đờm đặc: Chuẩn bị 3 bông hoa dành dành tươi, mật ong. Đem đi hấp chín rồi dùng.
+Chữa chảy máu cam:Chuẩn bị hoa dành dành khô, tán thành bột rồi thổi vào mũi.
- Bài thuốc từ lá dành dành
+Đau mắt đỏ:Chuẩn bị lá dành dành tươi rửa sạch rồi rã nhát sau đó cho hỗn hợp vào miếng gạc sạch rồi đắp vào mắt bị đau
+Chữa mụn nhọt, mụn đầu đinh.
- Bài thuốc từ quả dành dành
+Đau mắt đỏ sưng, cộm:Chuẩn bị kinh giới 12g, bạc hà 12g, kim ngân hoa 16g, chi tử (hạt dành dành) 12g, cát cánh 10g, tang bạch bì 10g, xuyên khung 8g, bạch chỉ 8g, cam thảo 4g.
Đem các vị thuốc sắc với 600ml nước, còn 250 ml, chia 2 phần, uống trong ngày. Dùng liên tục trong 5-7 ngày là một liệu trình. Nếu đau mắt đỏ kèm theo nhức đầu gia mạn kinh tử 6-8g. Nếu đau mắt đỏ kèm theo đại tiện táo gia đại hoàng 4-6g.
+Chữa bỏng: Chuẩn bị nhân quả dành dành đem đốt rồi tán mịn thành bột cộng với dầu mè và trộn với nhau. Đem hỗn hợp đã chuẩn bị đắp lên vùng bị bỏng rồi băng gạc vết bỏng lại.
+Chữa bong gân, đau nhức:Chuẩn bị hỗn hợp bột quả dành dành đã tán mịn, rượu trắng. Đem trộn bột quả, rượu và nước sạch thành hỗn hợp dạng sệt rồi đắp lên vùng da đau nhức hay bong gân 1 lần trong ngày.
+Đau nóng vùng dạ dày: Chuẩn bị 7 - 9 quả dành dành đem sao đen rồi sắc với nước tới khi còn lại 50% thì tắt bếp rồi uống với gừng tươi.
Rễ dành dành phơi khô có nhiều công dụng (Ảnh: ST)
- Bài thuốc từ rễ dành dành
+Bí tiểu, sỏi đường tiết niệu: Chuẩn bị 12g rễ dành dành, 12g kim tiền thảo và 12g lá mã đề đã rửa với nước sạch. Đem sắc các nguyên liệu đã chuẩn bị rồi lấy nước uống hàng ngày, mỗi ngày uống 1 thang thuốc trong vòng 10 ngày để có hiệu quả.
+Chữa sốt cảm mạo, viêm gan vàng da, nôn ra máu, chảy máu cam, viêm thận phù thũng:Chuẩn bị 15 - 30g rễ dành dành đem sắc uống.
Lưu ý là cây dành dành có thể tương tác với thuốc nhuận tràng gây tiêu chảy nhiều hơn và hạ kali; đặc biệt ở người tỳ vị hư và đang bị tiêu chảy nên cần thận trọng nếu đang sử dụng thuốc. Các bài thuốc nói trên chỉ mang tính tham khảo, không sử dụng để thay thế các phương pháp điều trị chính, người bệnh không được tự ý áp dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.