Thông tin được TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nói như trên hôm 18/7, và đề nghị các địa phương không lạm dụng cách ly, không đúng đối tượng, gây hoang mang lo lắng cũng như xáo trộn cuộc sống người dân.

Với người xác định là F1 của bệnh nhân nhân bạch hầu, Bộ Y tế khuyến nghị tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Đồng thời phải liên hệ nhân viên y tế để được hướng dẫn phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và uống thuốc kháng sinh dự phòng.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá tình hình bạch hầu hiện chưa phải là vấn đề phức tạp, số mắc thấp, các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát, không có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, trên diện rộng. Năm 2023, nước ta ghi nhận 57 trường hợp mắc và 7 người tử vong. 7 tháng đầu năm nay, có 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó một người qua đời.

1-jpeg-7864-1721307731.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aVx9r-76DGkO9RGz_yZSJw

Bác sĩ khám sàng lọc bạch hầu cho trẻ em, người lớn tại ổ dịch Đăk Lăk, năm 2022. Ảnh:Ngô Duyên.

Bệnh bạch hầu có thể lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Đây là bệnh có vaccine phòng ngừa, được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1985, do đó đã tạo được miễn dịch, giúp khống chế bệnh. Mặt khác, bệnh bạch hầu có kháng sinh điều trị đặc hiệu, trường hợp khám và chữa kịp thời sẽ sớm khỏi bệnh.

Một số ca xảy ra rải rác trong những năm gần đây tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Người mắc đều chưa tiêm vaccine hoặc chưa chích ngừa đủ mũi theo khuyến cáo.

Để chủ động phòng chống, Cục Y tế dự phòng khuyên người dân cần đưa trẻ (từ 2 tháng đến 7 tuổi) đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT...) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh. Trong trường hợp hoãn tiêm, nên chích ngừa sớm nhất có thể.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022