z5645740285471c6a2e91fdee4ee93c0a68bff7408b427-1721306419242438672600.jpg

Từ trái qua: Tony Bùi, Phan Gia Nhật Linh, Leon Lê, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Phan Linh Đan và Trịnh Đình Lê Minh - Ảnh: Đ.D

Sự kiện do Đại học Columbia (Mỹ) tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Viện Đông Á Weatherhead của đại học này.

Tham gia có các đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Leon Lê, Trịnh Đình Lê Minh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và nhà quay phim Nguyễn Phan Linh Đan.

Trước đó, tọa đàm này được diễn ra tại Hà Nội ngày 15-7 với sự tham gia của các đạo diễn ba thế hệ Đặng Nhật Minh, Nguyễn Hoàng Điệp và Phạm Ngọc Lân.

Cả hai đều do đạo diễn gốc Việt Tony Bùi chủ trì.

Nghệ thuật kể chuyện có thể phá vỡ các khuôn mẫu

Phan Gia Nhật Linh có mẹ làm kế toán ở Fafilm Việt Nam, công ty xuất nhập khẩu và phát hành phim duy nhất cả nước một thời ở TP.HCM.

Hồi nhỏ, cứ vào cuối tuần, các gia đình trong công ty thường tụ họp trong sân của đơn vị để xem phim từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Phim Liên Xô, phim cao bồi Mỹ… có hết. Phan Gia Nhật Linh thấy mọi người cùng khóc cùng cười với điện ảnh. Ước mơ làm phim bắt đầu được nhen lên trong lòng từ đó.

Tony Bùi cho rằng những câu chuyện mang đến sự hiểu biết sâu sắc về địa lý, văn hóa cũng như lịch sử; song đôi khi vẫn tồn tại những chia cách và rời rạc nhất định.

Thông qua nghệ thuật kể chuyện, các nhà làm phim truyền tải được góc nhìn, quan điểm xuyên suốt cũng như kỹ thuật để kết nối tâm hồn, các nền văn hóa với nhau.

"Nghệ thuật kể chuyện là nghệ thuật của bắc cầu, kết nối. Nó có nguồn gốc rất sâu trong truyền thống, trải nghiệm và nền tảng văn hóa của khán giả mà chúng ta có thể tạo ra, xuyên qua, phá vỡ các khuôn mẫu", Tony Bùi nói.

Theo đạo diễn của phim Ba mùa, điều đó có thể tạo ra khả năng thấu hiểu, đồng cảm trên phạm vi toàn cầu.

3908901921774475025805821647245650233917440n-17213067124811233573837.jpg

Nhà phê bình Elizabeth Kerr của The Hollywood Reporter ví Song Lang là "một sự hòa quyện đặc biệt giữa Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ và Trước lúc bình minh của Richard Linklater mà vẫn mang đậm tinh thần Việt Nam - Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Leon Lê kể, anh đã rất ngạc nhiên khi nhiều khán giả phương Tây xem xong Song Lang thì thích cải lương, muốn tìm hiểu về cải lương.

"Có người hỏi tôi muốn xem cải lương Việt Nam trên YouTube thì làm như thế nào? Có khán giả xem xong phân biệt được cả cải lương và tuồng. Có người thì bảo sang Việt Nam du lịch, nhất định sẽ mua vé đi coi cải lương", Leon nói.

Leon chia sẻ so với những phim phương Tây làm và lột tả về Việt Nam, Song Lang với nghệ thuật kể chuyện hiện đại đã tiếp cận văn hóa Việt Nam (cụ thể là cải lương) một cách khác biệt.

Anh chọn không đưa quá nhiều chất liệu cải lương vào phim, thay vào đó tập trung vào câu chuyện, vừa đủ sức gợi và tò mò của khán giả.

Di sản Việt Nam

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc kể chuyện khi mang Tro tàn rực rỡ chiếu ở nước ngoài, có khán giả nước ngoài không thể hiểu nổi sao cô Nhàn trong phim có thể cam chịu một người chồng đốt nhà hết lần này tới lần khác.

"Ở đây, đụng độ mâu thuẫn về văn hóa bắt nguồn từ việc họ chưa hiểu văn hóa Việt Nam", Trần Thị Bích Ngọc nói.

Nhà quay phim Nguyễn Phan Linh Đan kể, khi đi học ở Mỹ, bạn bè thường hỏi cô đến từ đâu. Khi nghe câu trả lời, họ không biết Việt Nam ở đâu.

Chính điều đó khiến Linh Đan băn khoăn về nhân dạng của mình. Cô mơ hồ cảm thấy có một điều gì đó lớn lao ở đằng sau bản lý lịch của mình.

Đó là một di sản văn hóa mà người ta không biết. Chính lịch sử đó đưa cô tới Mỹ và làm nên sự khác biệt của cô với những người xung quanh.

Cảm thấy mình chưa đủ trình độ để kể một câu chuyện Việt Nam cho khán giả phương Tây, Nguyễn Phan Linh Đan quyết định về nước làm phim và để lưu giữ "những khoảnh khắc, thời điểm đẹp đẽ mà có thể qua rồi không trở lại của văn hóa quê hương".

z564615134067407e8049265523ac6cc28004a07dfd81e-17213070125581502961865.jpg

Ba diễn viên chính của phim Thưa mẹ con đi (từ trái qua): Hồng Đào, Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy - Ảnh: ĐPCC

Trịnh Đình Lê Minh có ba năm học ở Mỹ, khi về nước "chợt cảm thấy mình thành người khác". Anh bắt đầu "đi tìm" mình. Thông qua điện ảnh, cụ thể là phim đầu tay Thưa mẹ con đi, anh lần lượt trả lời các câu hỏi về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể trong xã hội Việt Nam.

"Vừa muốn sống một mình vừa muốn sống với ba mẹ, sao người Việt Nam lại bị giằng xé bởi điều đó?", đạo diễn nói "đây là phim đầu tiên nói tiếng nói của bản thân trong lĩnh vực điện ảnh".

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng Việt Nam đang có một lứa làm phim có tài nhưng vẫn cần sự ủng hộ kịp thời để có thể đưa điện ảnh đi xa hơn.

Trịnh Đình Lê Minh nhận định hiện Việt Nam có những phim thương mại tốt và cũng có cả những phim nghệ thuật đi ra được với thế giới.

Song "bên cạnh kể những câu chuyện phổ biến, cảm động thì cũng quan tâm tới những tiếng nói đặc biệt, những tác phẩm mang thông điệp toàn cầu và có một sự kết nối sâu sắc với khán giả quốc tế".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022