Bệnh đái tháo đường là thuật ngữ đề cập đến một nhóm các bệnh ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng lượng đường huyết (glucose). Theo BS.CK1 Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, glucose rất quan trọng đối với sức khỏe vì là nguồn năng lượng quan trọng cho các tế bào cấu tạo nên cơ và mô. Nó cũng là nguồn năng lượng chính để giúp não hoạt động.

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường rất đa dạng, song nguyên nhân nào cũng khiến lượng đường trong máu cao và dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đái tháo đường gây ra rất nhiều biến chứng ảnh hưởng đến hầu hết bộ phận của cơ thể. Trong đó, ước tính, cứ ba người bệnh thì có một bệnh nhân xuất hiện các vấn đề về da.

Các loại bệnh da ở người tiểu đường

Các biến chứng về da có thể xuất hiện khá sớm ngay từ khi bệnh được chẩn đoán, hay khi lượng đường huyết tăng quá cao. Thường gặp nhất là ban vàng - những sẩn mảng có màu vàng hoặc màu da gà có quầng đỏ xung quanh và gây ngứa. Những nốt này xuất hiện ở bàn chân, lưng, bàn tay, cánh tay và mông của nam giới bị tiểu đường type 1 hoặc người bệnh kiểm soát đường huyết kém, mỡ máu cao.

Người bệnh cũng dễ bị nhiễm nấm candida albicans. Đây là thủ phạm chính gây nổi mẩn đỏ ngứa, thỉnh thoảng có mụn nước ở vùng da, nếp gấp ẩm ướt như nách hoặc kẽ chân, kẽ tay... Để khắc phục tình trạng này nên lựa chọn xà phòng tắm phù hợp, bôi kem dưỡng ẩm cho da khô nhưng tránh bôi lên các vùng nách, kẽ ngón chân.

Bệnh bạch biến thường gặp ở người bệnh tiểu đường type 1 vì liên quan đến phản ứng tự miễn dịch, ảnh hưởng đến sắc tố melanin (sắc tố làm cho da có màu). Quá trình này gây ra các vết trắng loang lổ trên khuỷu tay, ngực, quanh miệng, mắt hoặc mũi. Đến nay bạch biến vẫn chưa thuốc đặc trị mà chỉ có giải pháp tình thế. Người bệnh nên sử dụng các loại kem chống nắng có chỉ số SPF lớn hơn 30 để bảo vệ vùng da này.

Ngoài ra, nhóm bệnh nhân thừa cân, béo phì mắc đái tháo đường thường xuất hiện các mảng da tối màu, dày lên tại các vùng da có nhiều nếp gấp như nách, bẹn, cổ, gọi là biến chứng gai đen. Hiện chưa có thuốc nào chữa khỏi tình trạng này, nhưng giảm cân và quản lý tốt đường huyết, các vết đen này có thể mờ dần.

bs-Vi-ANh-7916-1725459551.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KaCuruV0_wokTf4X97K-XQ

Bác sĩ Vi Anh kiểm tra da bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Chăm sóc da cho người tiểu đường

Người mắc đái tháo đường thường có làn da vô cùng nhạy cảm, khô và dễ bị tổn thương, vết thương khó lành và để lại sẹo.

Da quá khô có thể gây ngứa, nứt, dễ nhiễm trùng do da mất chức năng giữ ẩm và giảm khả năng tự lành thương. Việc đầu tiên cần thực hiện là duy trì độ ẩm cho da. Dưỡng da sau khi tắm. Nên tắm bằng nước ấm, nhưng không quá nóng dễ gây khô da. Không nên sử dụng các chất khử mùi hoặc chất tẩy có mùi thơm dễ gây kích ứng. Luôn giữ khô các vùng da nách, ngón chân và bẹn, nhưng không quá khô. Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm sau khi tắm, khi rửa tay, trước hoặc sau khi ngủ dậy.

Người bệnh cần hạn chế để bị tổn thương, tránh cho vết thương bị nhiễm trùng. Trong trường hợp da bị tổn thương, cần được sơ cứu và chữa lành vết thương vì vết thương hở, vi khuẩn rất dễ xâm nhập và gây nhiễm trùng.

Ngoài ra, đường huyết cao nên gây tổn thương thần kinh, giảm cảm giác đau, nóng hay lạnh, giúp vi khuẩn thâm nhập nhanh. Vì vậy cần phát hiện vết thương sớm và can thiệp kịp thời. Bác sĩ thường khuyên người bệnh khám bàn chân mỗi ngày, kể cả vết thương mới hay vết chai, dù nhỏ.

Tóm lại, để ngăn chặn các biến chứng về da nói riêng và biến chứng do đái tháo đường, việc kiểm soát tốt đường huyết được ưu tiên hàng đầu. Nên ăn uống cân bằng, đủ chất, dùng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Duy trì trọng lượng cơ thể ở ngưỡng hợp lý. Nhận diện sớm biến chứng và điều trị tích cực sẽ giúp quản lý bệnh hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm các biến chứng về da.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022