Tháng trước, Grenada là nước đầu tiên trên thế giới kích hoạt "điều khoản bão" (hurricane clause) để lùi ngày thanh toán trái phiếu chính phủ đến hạn sau thiệt hại nặng vì thiên tai. Đây là điều khoản đặc biệt, cho phép chính phủ hoãn thanh toán nợ sau các thảm họa thiên nhiên lớn.

Động thái diễn ra sau khi cơn bão Beryl gây thiệt hại nặng nề cho đảo quốc phía đông nam của vùng biển Caribe hồi tháng 7. Với sức gió giật lên tới 240 km/giờ, cơn bão làm hỏng nhiều tàu đánh cá, lưới điện và nguồn nước uống. Chỉ trong vài giờ, Grenada bị thiệt hại một phần ba GDP hàng năm, theo Thủ tướng Dickon Mitchell.

Trong thông báo gửi đến các trái chủ quốc tế của mình, Bộ Tài chính Grenada cho biết nước này sẽ không thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu dự kiến đến hạn vào 12/11 và 12/5 năm sau, trị giá hơn 12,5 triệu USD. Thay vào đó, số tiền này sẽ được cộng vào các khoản thanh toán gốc khi trái phiếu đến hạn năm 2030.

Grenada đồng thời hoãn thanh toán khoản vay song phương 5 triệu USD từ Đài Loan và hai khoản vay nhỏ khác. Đảo quốc này là một trong hai quốc gia trên thế giới có "điều khoản bão" trong thỏa thuận vay nợ quốc tế.

grenada-4649974-1280-7923-1725730932.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xvknQWlHIECnrbf_naVIGQ

Một góc thủ đô Saint George's của Grenada. Ảnh: Pixabay

Vào 2015, Grenada yêu cầu đưa điều khoản này vào thỏa thuận với các bên cho vay trong quá trình đàm phán lại nợ. Đề nghị xuất hiện sau khi nước này mất khả năng thanh toán do khó phục hồi sau cơn bão nhiệt đới Ivan năm 2004, gây thiệt hại gấp đôi GDP hàng năm.

Nối gót Grenada, đảo quốc phía đông Caribe là Barbados cũng đưa "điều khoản bão" vào quá trình tái cơ cấu nợ năm 2018. Dù vùng Caribe đón nhiều cơn bão hàng năm, Barbados vẫn chưa kích hoạt điều khoản này lần nào.

Simon Stiell, Tổng thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), cho biết một số quốc gia như Grenada đang đối mặt với "chu kỳ nợ vô tận". Họ vay nợ để tái thiết đất nước sau thiên tai rồi thảm họa thiên nhiên khác lại ập đến, buộc phải vay thêm. Vòng lẩn quẩn này khiến nguồn lực bị chuyển hướng khỏi đầu tư cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính cứ 10 thảm họa ở các quốc gia nhỏ thì có một gây ra thiệt hại ít nhất 30% GDP hàng năm, so với tỷ lệ chỉ 1 trên 100 ở các quốc gia lớn.

Theo tờ Le Monde, vào lúc nhiều quốc gia đang phát triển vừa là nạn nhân của biến đổi khí hậu vừa bị kìm hãm bởi gánh nặng nợ nần thì "điều khoản bão" này cần được phát triển thành một mô hình rộng rãi. Thực tế, một số nước khác cũng đang cân nhắc áp dụng, theo Reuters.

Ưu điểm của "điều khoản bão" là giúp có cơ chế tự động hoãn trả nợ trái phiếu chính phủ hoặc các khoản vay khác, tránh được các cuộc đàm phán tái cấu trúc kéo dài và tốn kém. Nó cũng giải phóng các nguồn lực cần thiết để hồi phục kinh tế. Điều khoản này không giúp xóa nợ mà chỉ hỗ trợ bên vay có thêm thời gian tái thiết, phục hồi, tích lũy nguồn lực sau thiên tai để trả nợ. Nó được cho là giúp phân bổ rủi ro công bằng hơn giữa người đi vay và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cơ chế này có thể không phù hợp với tất cả. Trong báo cáo được công bố bởi Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development) của Mỹ năm 2013, nhóm nghiên cứu Clemence Landers và Rakan Aboneaaj cho rằng nó hữu ích cho những nước nợ cao hoặc khó tiếp cận thị trường tái cấp vốn.

Trong khi, vẫn có nhiều công cụ khác để lựa chọn. Chẳng hạn như "trái phiếu thảm họa" (catastrophe bond) cho phép quốc gia, công ty bảo hiểm hoặc tổ chức tài chính phát hành để chuyển một phần rủi ro thiên tai sang các nhà đầu tư.

Trái phiếu thảm họa có cấu trúc tương tự trái phiếu thông thường nhưng có thêm điều khoản liên quan đến thiên tai. Nhà đầu tư mua trái phiếu thảm họa nhận lãi cao hơn trái phiếu thông thường vì rủi ro cao hơn. Để kích hoạt, thiên tai cần đạt đến mức quy định trong hợp đồng. Khi ấy, một phần hoặc toàn bộ số tiền đầu tư vào trái phiếu có thể được chuyển cho bên phát hành để trang trải chi phí thiệt hại.

Một hình thức khác là chương trình hỗ trợ đặc biệt cho các quốc gia đang phát triển trong trường hợp xảy ra thiên tai, được gọi là "Debt Service Suspension Initiative" (DSSI) của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

DSSI giúp các nước nghèo có thể tạm dừng trả nợ trong thời gian xảy ra thiên tai lớn, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính và cho phép họ tập trung vào việc khắc phục hậu quả thiên tai và phục hồi kinh tế. Theo chương trình, các nước tham gia có thể yêu cầu tạm dừng trả nợ cho các khoản vay từ World Bank trong thời gian lên đến hai năm. Một số nước từng tham gia DSSI gồm Mozambique, Haiti, Zambia, Pakistan và Somalia.

Theo Le Monde, dù cơ chế nào, biến đổi khí hậu đang buộc các quốc gia, ngân hàng và nhà đầu tư phải xem xét, điều chỉnh cấu trúc nợ công. Mặc dù có thể rủi ro hơn, điều này là cần thiết để giúp các nước dễ bị tổn thương tìm cách thích ứng, như đầu tư vào các giống cây trồng chịu lũ lụt hoặc xâm nhập nước mặn, xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo tồn nguồn nước.

Phiên An (theo Le Monde, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022