"Một giây lúc này còn quý hơn vàng, phải phối hợp cấp cứu nhanh nhất có thể", TS. BS Đỗ Đức Thuần, phó Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân Y 103, nhớ lại, ngày 24/4.

Bệnh nhân nam 30 tuổi, nhập viện khi hôn mê, mất ý thức. Trước đó, anh cùng vợ đi tập lái xe ô tô, đột ngột lên cơn đau đầu nhưng cố gắng gượng. Một lúc sau, anh tiếp tục đau đầu dữ dội rồi hôn mê, được đưa vào viện cấp cứu trong cơn hoảng loạn của người vợ.

Theo bác sĩ Thuần, bệnh nhân bị đau đầu do vỡ túi phình mạch dẫn đến đột quỵ, tiên lượng "lành ít, dữ nhiều". Hít một hơi thật sâu, anh quyết định ra gặp người vợ, nói tình trạng bệnh nhân rất nặng song các bác sĩ đang dồn lực cứu chữa, kể cả khi phần trăm thành công thấp.

Đây là kỹ năng bác sĩ Thuần được trang bị trong những tình huống phải báo tin về cái chết đột ngột cho người nhà bệnh nhân. Theo đó, phản ứng của người thân trước tin tức này thường rất dữ dội, trải qua các cung bậc như sốc, tức giận, hối hận dày vò... nên các nhân viên y tế phải chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau. Một trong những liệu pháp xoa dịu thần kinh và chuẩn bị cho người nhà đón nhận tin xấu là thông báo cho họ biết những nỗ lực của bác sĩ đang thực hiện để cứu mạng nạn nhân, dù hy vọng mong manh.

Mặt khác, trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, bác sĩ Thuần cố gắng giải thích tình trạng người bệnh và những lý do có thể khiến tiên lượng sống đột ngột xấu đi. "Điều này sẽ giúp người nhà tin tưởng hơn vào công việc cứu chữa của chúng tôi, đồng thời tạo cảm giác tin cậy giữa bác sĩ và gia đình", anh Thuần nói.

Cuộc chiến giằng co hơn một tiếng đồng hồ, bệnh nhân không qua khỏi. "Phải báo tin dữ cho người nhà bệnh nhân như thế nào đây?", là câu hỏi bác sĩ Thuần nhiều lần không thể tìm đáp án bởi mỗi gia đình lại có một hoàn cảnh khác nhau. Bệnh nhân trên tuổi đời còn trẻ, từ lúc nhập viện đến khi tử vong chỉ trong ba tiếng, người vợ lại đang suy sụp khi chứng kiến chồng đổ gục.

"Là một bác sĩ, tôi thất vọng và day dứt vì không cứu được bệnh nhân. Là một con người, tôi không thể thản nhiên trước nỗi đau của gia đình người bệnh", anh Thuần cho hay.

Cuối cùng, bác sĩ quyết định bước ra, thông báo cho người vợ rằng "chồng chị đã qua đời dù nhân viên y tế đã nỗ lực hết sức". Việc được chuẩn bị trước tâm lý dường như đã ngăn người vợ rơi vào tình huống kích động, khóc lóc hoặc la hét. Chị gắng gượng bám vào bác sĩ, xin được vào phòng hồi sức (ICU) nhìn mặt bạn đời lần cuối.

95ea7c9fec8e1fd0469f-2306-1614-8688-4693-1713926025.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OTStqYVV7Pf-BfljQgeI8w

Bác sĩ Thuần đang thực hiện can thiệp mạch máu não cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh:Thùy An

Ngoài trường hợp tử vong sau khi vào viện, nhiều bệnh nhân có tiên lượng khả quan đột ngột trở nặng cũng khiến các bác sĩ khó xoa dịu ngay tâm lý người nhà. Như người đàn ông 35 tuổi, cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) do nhồi máu não cấp, đã can thiệp mạch loại bỏ cục máu đông, tiên lượng tiến triển khả quan. Đến ngày 8, bệnh nhân xuất hiện bất thường về mạch, huyết áp, nhịp thở sau đó trụy tim mạch và tử vong. Nguyên nhân do phù não ác tính xuất hiện muộn gây đè đẩy các vùng não điều khiển tim mạch và hô hấp.

Biết tin, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, lặng người, bởi kíp đã theo dõi bệnh nhân rất chặt chẽ vẫn không thể kiểm soát được tình trạng bất ngờ này. Ngoài ra, đây là giai đoạn mà đa số bệnh nhân đột quỵ nhồi máu được xem là tạm thời ổn định.

"Thật khó để xoa dịu nỗi đau này, song chúng tôi cố gắng dành thời gian giải thích cặn kẽ về bệnh tình, lắng nghe những chia sẻ của gia đình để động viên họ nhiều nhất", bác sĩ nói.

Nhiều năm làm nghề, số lần bác sĩ Nghĩa phải đối mặt với cái chết đột ngột của bệnh nhân nhiều không kể xiết, đặc biệt ở những khoa "đầu sóng, ngọn gió" như cấp cứu. Ngoài kỹ năng chuyên môn, anh phải học cách thông báo tin dữ cho người nhà. Lúc này, anh tự nhủ phải gác buồn bã, tìm không gian phù hợp để trao đổi và phân tích với người nhà, giảm nhẹ đau đớn của họ.

"Mất mát là điều khó tránh khỏi, song giảm nhẹ phần nào thì nhân đạo thêm phần đó", bác sĩ nói.

tu-tru-o-ng-xuye-n-so-17118779-7547-4528-1713926025.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WEmc2pdG7vQmYqyNbBd2kQ

Bệnh nhân được khảo sát, điều trị đau sau đột quỵ với máy từ trường xuyên sọ tại Đơn vị Sinh lý Thần kinh Lâm sàng, Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Chính Trần

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa cái chết đột ngột (Sudden Death), là cái chết không do bạo lực và không giải thích được, xảy ra trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Một số tài liệu khác định nghĩa cái chết đột ngột bao gồm cả cái chết dưới một giờ hoặc 6 giờ, nguyên nhân do đột tử tim hoặc đột quỵ não, được bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bất thành.

Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết khi cái chết xảy ra bất ngờ và đột ngột, người thân rất khó chống chọi với tin dữ. Họ không tin sự thật người thân yêu đã ra đi, tâm lý trở nên rất nhạy cảm, dễ xúc động và dễ bị kích động. Nhiều người còn có xu hướng tức giận, đập phá, chửi bới, thậm chí tìm cách tự vẫn. Trong tình huống này, nếu đội ngũ chăm sóc sức khỏe không có kỹ năng thông báo, thiếu lòng trắc ẩn và cảm thông, nguy cơ gây phản ứng đau buồn dữ dội kèm sự tức giận, bạo lực hướng đến nhân viên bệnh viện.

Do đó, tất cả y bác sĩ được đào tạo phải giải thích từng bước, bắt đầu từ nguyên nhân, tiên lượng, nguy cơ gặp phải. Khi bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong, bác sĩ sẽ thông báo đến người nhà sớm để mọi người chuẩn bị tâm lý. Thông thường, bác sĩ chọn trao đổi với người có tinh thần vững vàng hơn hoặc thông báo với tất cả người thân có mặt để mọi người động viên lẫn nhau.

Trường hợp người nhà bị sốc, khóc, la hét hoặc ngất, y bác sĩ sẽ hỗ trợ về mặt y tế, đồng thời an ủi rằng "cả bác sĩ lẫn gia đình đã cố gắng hết sức cứu chữa người bệnh", tránh để họ mang cảm giác tội lỗi hoặc tự trách mình. Trong một số tình huống, bác sĩ không trả lời hoặc tranh cãi với người thân nếu họ đổ lỗi hoặc dèm pha về bệnh viện, bởi đây là cảm xúc bộc phát trong lúc đau buồn, ông Thắng nói.

Cuối cùng, người nhà thường đề nghị được xem mặt người đã mất. "Đây là một thời khắc rất khó khăn, song các nhân viên y tế luôn chuẩn bị tốt nhất để gia đình đạt nguyện vọng", bác sĩ nói. Khi ấy, người bệnh được thay quần áo mới, giường ICU dọn gọn gàng, các thiết bị hỗ trợ sự sống như ống nội khí quản, máy thở, máy theo dõi nhịp tim ngắt để trả lại không gian bình yên cho giây phút tiễn biệt.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022