Trong Đông y, xông là bài thuốc để điều trị cảm cúm, đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng... Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ có tác dụng giảm triệu chứng bệnh chứ không làm hết bệnh.

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, tư vấn một số bài thuốc xông, như sau:

Sả, gừng

Trong Đông y, sả vị cay, tính ấm, tác dụng sát trùng, tiêu đờm, sát khuẩn, thông tiểu, chữa cảm cúm. Gừng chứa chất chống oxy hóa, kháng viêm, giúp kích thích tiêu hóa và giảm những cơn đau nhức hiệu quả.

Để xông, bạn dùng cỏ sả, lá bưởi, hương nhu, lá chanh, cúc tần, bạch đàn, mỗi loại một nắm, đun sôi làm thuốc uống và xông, đắp chăn cho ra mồ hôi. Có thể thêm một ít muối trắng để sát khuẩn.

Theo khuyến cáo, xông hơi toàn thân có thể thực hiện tuần 2-3 lần, xông hơi bộ phận có thể làm 3-4 lần mỗi tuần.

Tía tô

Tía tô vị cay, tính ấm, vị thuốc được xếp vào loại kích thích ra mồ hôi, nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, hạ sốt, trừ cảm mạo. Bạn dùng lá tía tô đã rửa sạch, nấu cùng sả, muối trắng để xông, giải cảm.

Ngoài ra, uống nước lá tía tô hoặc thái nhỏ trộn cháo nóng ăn, đắp chăn nằm nghỉ cho ra mồ hôi cũng làm giảm mệt mỏi, ho, sốt.

Lá chanh, bạc hà, kinh giới

Người dân có thể sử dụng lá chanh, kinh giới, bạc hà, lá gừng, lá nghệ, bỏ chung vào nồi làm dược liệu xông.

Bạn bổ sung thêm gừng tươi để giải độc, thông mũi họng hoặc sả để sát khuẩn, trị cảm, nhức đầu, sổ mũi...

hieu-dung-ve-xong-va-Covid-19-8994-1861-1738891439.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZbbLub_FvXlsxe3IQDKMFg

Phơi khô tía tô, vỏ bưởi, hương nhu, sả... để dùng xông. Ảnh: Thư Anh

Trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Không tắm ngay sau khi xông. Nếu xông toàn thân, nơi xông phải kín gió. Khi mồ hôi đã ra nhiều ướt áo thì ngừng xông, lau khô người, thay áo, đắp chăn nằm nghỉ. Xông đầu mặt cũng tương tự, nhưng chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặt. Sau khi xông lau khô vùng đầu mặt.

Thời gian mỗi lần xông khoảng 20 phút. Sau khi xông xong lau khô, giữ ấm và tránh gió. Không nên lạm dụng và nên dừng lại khi thấy khó thở, tức ngực, choáng váng. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022