Mái tóc ngắn, vóc người bé nhỏ, ít ai biết BS Dương Thị Hiền Lương (Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội) đã ở tuổi U50. Chị kể, một ngày làm việc của mình bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, khám và tư vấn cho bệnh nhân. Nếu sớm, chị về nhà lúc 16 giờ 30 phút. Muộn hơn là 17 giờ. Thế nhưng, những hôm có ca trực, chị làm việc từ 7 giờ 30 sáng hôm trước đến 12 giờ trưa ngày hôm sau...

dsc09187-17089257374291971493031.jpg

Mái tóc ngắn, vóc người bé nhỏ, ít ai biết BS Dương Thị Hiền Lương đã ở tuổi U50.

Đam mê sản khoa từ khi còn rất nhỏ nhưng gặp phải nhiều sự ngăn cấm...

Kể về mối lương duyên đến với nghề y, BS Dương Thị Hiền Lương cho biết, mẹ chị là người trong ngành, cũng chuyên về sản khoa. Ngay từ hồi còn nhỏ, cô bé Hiền Lương đã thường xuyên theo chân mẹ đi làm, đi trực, còn mình thì vào bệnh viện chơi. Học mà chơi, chơi mà học, thế nên chẳng biết từ lúc nào, hình ảnh của mẹ tất tả chạy theo những ca đỡ đẻ đã in sâu vào trong tâm trí. Cô bé tự nhủ sau này lớn lên cũng mong được trở thành bác sĩ giỏi giang như mẹ mình, tuy vất vả nhưng đầy tự hào, thiêng liêng!

"Cứ thế, những suy nghĩ đó cứ dần dần. Chẳng biết từ bao giờ, nghề bác sĩ cứ dần thấm vào mình, mình dần dần đam mê làm bác sĩ, chuyên lĩnh vực sản khoa", BS Hiền Lương tâm sự.

Ước mơ cao đẹp là thế nhưng ngay từ đầu, BS Hiền Lương gặp không ít khó khăn khi đến với nghề. Mẹ chị nhất quyết phản đối vì "nghề y quá vất vả với con gái" và ra sức "đẩy thuyền" cho chị theo đuổi ngành nghề khác.

dsc04318-17089257788591241697146.jpg

Kể về mối lương duyên đến với nghề y, BS Dương Thị Hiền Lương cho biết, mẹ chị là người trong ngành, cũng chuyên về sản khoa.

"Mẹ liên tục nói với mình sau những buổi trực thâu đêm suốt sáng với những bằng chứng thực tế", BS Hiền Lương nhớ lại. Chị vẫn nhớ như in những lời mẹ nói: "Con thấy không, mẹ không có thời gian dành cho các con, mẹ còn phải đưa các con đến bệnh viện để cùng trực đêm rất vất vả. Ngày Tết ngày lễ cũng không dành thời gian được trọn vẹn cho các con, không đi họp phụ huynh được cho con vì những ngày đó mẹ vẫn phải đi làm...".

Mẹ chị đã phân tích rất kỹ càng, luôn mong muốn con gái trở thành cô kỹ sư môi trường. Đến thời điểm gần thi vào đại học, mẹ vẫn căn dặn kỹ cô con gái bé nhỏ, hãy nộp hồ sơ vào ngành môi trường hoặc sư phạm, "tuyệt đối không theo ngành y". Còn chị, vẫn một lòng muốn trở thành bác sĩ trong âm thầm.

bs-hien-luong-5-1709011530595907641505.png

Đỉnh điểm, vào thời điểm học lớp 12, bạn thân của chị bị mất vì ung thư máu, tương lai bỗng chốc hóa hư không. Vô cùng đau khổ trước sự ra đi của người bạn xấu số, BS Hiền Lương lại càng thấy việc mình quyết tâm thi vào ngành y là sáng suốt bởi "chỉ có nghề y mới có thể giúp đỡ được mọi người vượt qua được bệnh tật".

Năm 1997, BS Hiền Lương thi vào Đại học Y Hà Nội. Vượt qua hàng nghìn thí sinh dự tuyển, chỉ chọn 250 người, BS Hiền Lương vỡ òa cảm xúc khi biết mình đã đỗ. Lúc này, mẹ chị chẳng còn biết làm gì trước cô con gái "cứng đầu cứng cổ", đành chỉ biết chúc con mọi điều thuận lợi trong tương lai.

Nghề y đem đến nhiều trải nghiệm vui buồn, có những lúc thấy "mẹ nói đúng thật"

Kể từ khi thi đỗ ngành y, theo đuổi ngành sản khoa đến nay, BS Hiền Lương đôi lúc trầm tư nghĩ lại và thấy "mẹ nói đúng thật". Đúng là nghề y đã giúp chị cứu được bao nhiêu người, đem lại tiếng cười cho bao nhiêu gia đình... Nó giúp chị thỏa mãn đam mê ngay từ khi còn rất nhỏ. Thế nhưng sự vất vả là không thể phủ nhận.

"Mình vất vả, kéo theo chồng con mình cũng vất vả theo vì mình không có thời gian để dành cho gia đình, không có thời gian chăm sóc cho các con, không được ở cạnh các con như nhiều bà mẹ khác. Hầu như thời gian của mình đều ở bệnh viện, từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, rồi còn trực đêm...", BS Hiền Lương tâm sự.

Có những lúc vội vàng chạy đi trực, con chị giữ chặt lại và nói: "Con muốn ngủ với mẹ thêm một lúc nữa", "Tại sao mẹ lại dậy sớm như vậy? Con muốn được mẹ đưa đến trường, được mẹ đón con về như các bạn khác cơ"... Những lúc ấy, BS Hiền Lương cảm thấy trái tim mình dường như đang bị bóp nghẹt. May mắn cho chị, có người chồng luôn thấu hiểu và thông cảm cho vợ, nên mọi chuyện mới dễ dàng hơn.

bsluong3-1708926081780157892689.jpg

Nghề y đã giúp BS Hiền Lương cứu được bao nhiêu người, đem lại tiếng cười cho bao nhiêu gia đình...

Trong quãng thời gian làm bác sĩ sản khoa - 21 năm, BS Hiền Lương cũng gặp không ít những buồn vui trong nghề. 

Câu chuyện khiến chị đến giờ vẫn nhớ như in là vào thời điểm sinh viên năm thứ 3. Khi đó, BS Hiền Lương thực tập tại khoa A9 (Bệnh viện Bạch Mai). Ở đây, cô sinh viên non nớt bắt đầu nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết quá đỗi kinh khủng, toàn bệnh nhân nặng, phải hồi sức cấp cứu.

Ca đầu tiên mà chị vào hỗ trợ là làm thủ thuật cho một bệnh nhân đang hôn mê, chọc tĩnh mạch cảnh để truyền tĩnh mạch trung tâm và đặt trám mở khí quản. Đây là ca bệnh gây ấn tượng mạnh, thậm chí khiến chị sốc vì quá nhiều máu chứ không như những cảnh đi trực với mẹ, không như trên sách vở, giấy tờ... Sau khi phụ việc, chị ra khỏi cửa và không biết mình bị ngất từ khi nào nữa. "Cuối cùng, mình đã thành bệnh nhân để các bác sĩ phải cấp cứu mình", BS Hiền Lương vừa cười vừa nói, nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu tiên. Cũng nhờ ca bệnh đó, chị đã quen dần và ngày càng trở nên bản lĩnh hơn. Để rồi, trong cuộc đời làm bác sĩ sản khoa đến nay, BS Hiền Lương gặp biết bao ca bệnh ấn tượng, để lại nhiều buồn vui trong nghề.

Đó là cặp vợ chồng người dân tộc, đến từ Tuyên Quang, đã kết hôn 18 năm, nhưng chưa có mụn con nào. 2 vợ chồng có đi chạy chữa nhiều nơi không thành, đến Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội, được BS Hiền Lương thăm khám trực tiếp.

bs-hien-luong-6-1709011530628785323723.png

"Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện người chồng có tinh trùng rất yếu. Nhưng may mắn, ngay tháng sau đó, người vợ đã có thai ngay, thai tự nhiên chứ chưa cần IVF dù cặp đôi đã gom góp tiền để xuống đây dự định làm IVF rồi", BS Hiền Lương vui mừng nhớ lại.

Đó là một bạn nữ sinh năm 1993, 3 lần sảy thai, toàn ở tuổi thai 22 tuần. Bạn đi khám chữa nhiều nơi, nhưng cũng không giữ được con. Đến Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội, được bác sĩ ở đây khâu vòng cổ tử cung và giữ thai an toàn, "đến hôm nay, em bé vừa tròn 1 tuổi". "Bệnh nhân vẫn đến tận nhà cho mình quả trứng gà, ít rau nhà trồng được ở quê", BS Hiền Lương cười nói.

Là BS sản khoa, không còn gì tuyệt vời hơn với BS Hiền Lương là được cùng các cha mẹ đón con yêu, sau chuỗi ngày dài hiếm muộn đằng đẵng. Nhưng nghề y không phải lúc nào cũng vui. BS Hiền Lương cũng vậy. Trong cuộc đời làm bác sĩ sản khoa đến nay, cũng có nhiều trường hợp khiến chị phải day dứt, buồn bã kéo dài. Có những trường hợp mang thai, làm IVF nhưng đến khoảng 12-13 tuần là không giữ được, có trường hợp thai 24 tuần lại sinh non... "Đó là những kỷ niệm với mình rất buồn, rất tiếc", BS Hiền Lương trầm lại.

Là bác sĩ, muốn cứu chữa người bệnh thì đừng quên điều đầu tiên là mình phải khỏe mạnh đã!

Ngày 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam, BS Hiền Lương mong muốn: "Mình và đồng nghiệp của mình sẽ luôn vững tâm, yên tâm làm nghề, an toàn, an yên và hạnh phúc".

Chị cũng mong sao, dù là bác sĩ vô cùng bận rộn, nhưng chị em phụ nữ hãy luôn biết cách cân bằng để duy trì cuộc sống hạnh phúc cho bản thân và gia đình. BS Hiền Lương thích chạy bộ, zumba và bơi lội, gần đây thì có chơi piano.

bs-luong-tham-gia-clb-runer-afhanoi-17089257787271972293624.jpg

"Chơi đàn giúp mình thêm thư giãn, tâm hồn được bay bổng theo những âm điệu, mình được xả stress hiệu quả hơn", BS Hiền Lương chia sẻ thêm. Còn chuyện chăm tập luyện thể dục thể thao thì với BS Hiền Lương như một điều đương nhiên: "Có sức khỏe thì mới giúp được nhiều người khác chứ? Thế nên, mình chú trọng chăm sóc sức khỏe của mình đầu tiên đã".

bs-hien-luong-7-1709011530633405210908.png

May mắn cho BS Hiền Lương có một người chồng luôn kề vai sát cánh, cùng hỗ trợ chăm sóc con cái, dạy con học và nấu ăn. Công việc gia đình được san sẻ bớt nên chị thêm chuyên tâm vào công việc, giúp ích được thêm nhiều mảnh đời.

"Giờ đây, ngoài niềm vui là bác sĩ sản, mình có thêm niềm vui chữa được hiếm muộn, đưa được tiếng cười trẻ thơ đến các gia đình, đặc biệt là nhiều cặp đôi mong ngóng con đã từ rất lâu. Từ ngày trở thành thành viên ở đây, mình cũng thường xuyên được đào tạo, trau dồi kỹ năng công việc, tạo điều kiện tối đa phát huy năng lực", BS Hiền Lương chia sẻ.

Trong tương lai, BS Hiền Lương sẽ tiếp tục tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao tay nghề, đồng thời truyền lại kinh nghiệm, kiến thức cho các bạn trẻ, để có thêm những lớp mới tài năng, sẵn sàng với nghề y đến hơi thở cuối cùng…

banner-chan-trang-6-1697615250112907873702.png

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022