Nhật Bản kỷ niệm "Ngày kính trọng người cao tuổi", hôm 16/9. Ngày lễ phản ánh một thực tế đáng lo ngại: đất nước có lượng người già cao kỷ lục.

Dân số Nhật Bản đang giảm mạnh, số lượng trẻ sơ sinh ít hơn, người cao tuổi trong lực lượng lao động tăng lên và tổng số cư dân giảm. Đất nước đang đối mặt với ba khủng hoảng dân số mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại sẽ đe dọa đến kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội. Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cảnh báo quốc gia chỉ còn thời gian đến thập niên 2030 để đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh giảm.

Theo trợ lý thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masashi Mizobuchi, nước này đang giải quyết vấn đề suy giảm dân số thông qua các chính sách nuôi dạy trẻ, số hóa và cải cách phong cách làm việc, nhằm tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ và người cao tuổi tham gia tích cực vào xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, trước mắt, nước này vẫn đối mặt với ba cuộc khủng hoảng nhân khẩu lớn.

Dân số già

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, hiện quốc gia có 36,25 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 29% dân số, tỷ lệ cao nhất so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong khi đó, nhiều người cao tuổi vẫn phải lao động. 20 năm liên tiếp, số lao động lớn tuổi tăng, đạt mức kỷ lục 9,14 triệu người. Dù nhiều công ty Nhật Bản áp đặt độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60, chính phủ khuyến khích họ giữ lại những nhân viên lớn tuổi muốn tiếp tục làm việc. Sự linh hoạt này giúp thu hẹp khoảng cách cho đến khi nhận lương hưu ở tuổi 65. Mức lương và điều kiện làm việc cũng được điều chỉnh để phù hợp với người lao động lớn tuổi.

Tỷ lệ sinh giảm

Nhật Bản ghi nhận hơn 350.000 ca sinh từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, giảm gần 6% so với 2023, theo thống kê của Bộ Y tế. Đây là con số thấp nhất kể từ 1969, khi Tokyo bắt đầu công bố thống kê.

Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp có ít hơn 400.000 ca sinh trong nửa đầu năm - sự sụt giảm lớn hơn so với mức 3,6% cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản năm ngoái giảm xuống còn 1,2 ca sinh dự kiến mỗi phụ nữ, một trong những con số thấp nhất thế giới. Bộ trưởng Y tế Keizo Takemi nhận định tình hình này "rất nghiêm trọng" và cảnh báo rằng Nhật Bản chỉ còn thời gian đến thập niên 2030 để đảo ngược xu hướng này.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Fumio Kishida đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sinh là ưu tiên quốc gia. Trước đây, ông cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc gia cho chăm sóc trẻ em trong vòng một thập kỷ.

japan-old-1726652609-2815-1726652679.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0hVWmTH75akkTrXZteD3IQ

Người cao tuổi tại Nhật Bản đang nghỉ ngơi trước bậc thềm của một ngôi chùa. Ảnh: AFP

Suy giảm dân số

Dân số Nhật Bản giảm trong năm thứ 15 liên tiếp vào năm 2023, theo thống kê chính phủ công bố vào tháng 7.

Tổng dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2009, đứng ở mức 124,89 triệu người. Trong đó, khoảng 3,32 triệu là người nước ngoài. Mặc dù chính sách nhập cư của Nhật Bản rất nghiêm ngặt, số lượng người nước ngoài đã tăng lên kể trong đại dịch Covid-19.

Không có biện pháp nào giải quyết được mọi vấn đề

Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã nhận ra các tác động về kinh tế, xã hội của ba khủng hoảng dân số trên.

Giới chức đã đưa ra một số biện pháp nhằm đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh giảm của đất nước. Văn phòng thủ tướng Fumio Kishida chủ động phân bổ thêm ngân sách cho việc nuôi dạy trẻ hỗ trợ xây dựng thêm cơ sở chăm sóc trẻ em trong nước. Chính quyền địa phương thậm chí triển khai ứng dụng hẹn hò công cộng nhằm giúp người Nhật giao lưu, kết hôn và sinh con.

Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sinh không giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động trong ngắn hạn. Vì vậy, Nhật Bản liên tục mở cửa cho lao động nhập cư những năm gần đây. Năm 2024, nước này đạt kỷ lục hai triệu lao động nước ngoài, hướng tới con số 800.000 người nữa trong năm tới, theo các báo cáo được truyền thông địa phương đăng.

Theo Robert Feldman, chuyên gia kinh tế tại công ty phân tích dữ liệu Morgan Stanley MUFG Securities, để giải quyết tình trạng suy giảm dân số trong vài thập kỷ tới, đất nước phải tăng thêm số lượng lao động người nước ngoài.

Thục Linh (Theo CNBC, Newsweek)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022