Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ rất dễ nhiễm Viêm gan B

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm gan B vẫn đang là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng với hơn 250 triệu người mắc trên toàn cầu. Theo nghiên cứu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng cao nhất dễ nhiễm virus viêm gan B và tiến triển thành bệnh mãn tính. 

Ở trẻ, virus viêm gan B có đường lây chủ yếu từ mẹ truyền sang con trong lúc sinh hoặc mang thai, do đó thường gặp cả cụm gia đình mắc viêm gan B. Theo Cục Y tế Dự phòng, thai phụ có nguy cơ mắc viêm gan B hơn 10%. Có 10-90% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B sẽ mắc bệnh. Nếu trẻ sơ sinh bị lây virus từ mẹ có 90% nguy cơ diễn tiến thành bệnh mãn tính và khoảng 25% bị ung thư gan và xơ gan.
photo-1-17264616860102089396775-1726474559646-172647456023026477451.png

Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch non yếu nên dễ nhiễm virus viêm gan B. Ảnh: Shutterstock

Theo đánh giá từ Chương trình tiêm chủng của Mỹ, khoảng 80% trẻ bú mẹ bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ khi sinh, 30 - 50% trẻ nhiễm virus trước 5 tuổi trở thành người mang virus mạn tính, trong khi người lớn nhiễm mới virus chỉ có 6 - 10% nguy cơ diễn tiến mạn tính.

Mặt khác, trẻ có hệ miễn dịch non yếu, chưa hoàn thiện nên khả năng mắc bệnh cao hơn người lớn. Hệ miễn dịch yếu cũng khiến trẻ có khả năng đào thải virus thấp hơn. Trẻ chỉ có 5 - 10% khả năng đào thải virus và khỏi bệnh, trong khi tỷ lệ này ở người lớn đến 95%. 

BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết mỗi năm, thế giới có 250.000 trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B, gây hệ lụy như viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan… khiến quá trình điều trị khó khăn, chi phí tốn kém, ảnh hưởng chất lượng sống. Theo ước tính, một bệnh nhân viêm gan B phải đối mặt với điều trị lâu dài, thậm chí đến hết đời với chi phí điều trị rất lớn (lên đến 200 triệu đồng mỗi năm). 

photo-1-17264616888611167396237-1726474562632-1726474563119336136065.png

Virus viêm gan B gây tổn thương gan chậm và dai dẳng, âm thầm chuyển hóa ung thư. Ảnh: Shutterstock

BS Chính nhấn mạnh, nếu nhiễm virus ở độ tuổi càng sớm thì nguy cơ xơ gan, ung thư gan càng cao. Trẻ nhiễm virus thường không có triệu chứng nhưng có thể diễn tiến mạn tính ở tuổi thiếu nhi hoặc trưởng thành, ảnh hưởng phát triển thể chất và học tập.

Việt Nam là 1 trong 9 nước tại khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao đáng báo động, chiếm khoảng 10 - 20% dân số. Do đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất cần được tiêm vắc-xin viêm gan B đủ mũi, đúng lịch.

"Viêm gan B là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Trẻ được tiêm vắc-xin đầy đủ sẽ bảo vệ lá gan khỏe mạnh và phòng lây nhiễm từ các thành viên khác trong gia đình và từ cộng đồng xã hội", BS Chính nhấn mạnh.

photo-2-17264616896021872897566-1726474565974-17264745669051736533121.png

Chủ động bảo vệ lá gan của trẻ bằng vắc-xin từ những năm tháng đầu đời. Ảnh: Shutterstock

Tiêm vắc-xin viêm gan B đủ mũi, đúng lịch bảo vệ gan trẻ khỏe mạnh 

BS.CKI Bạch Thị Chính cho biết, với trẻ sơ sinh, vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh cần được tiêm tốt nhất 24 giờ đầu sau sinh. Đây được xem là "thời điểm vàng" để phòng 80 - 95% nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, nếu tiêm muộn sẽ kém hiệu quả. 

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của mũi viêm gan B liều sơ sinh sẽ không toàn diện và giảm dần theo thời gian. Do đó, trẻ cần tiếp tục tiêm đủ các liều vắc-xin có thành phần viêm gan B trong vắc-xin đơn hoặc vắc-xin phối hợp 6 trong 1 vào các thời điểm 2 tháng (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi), 3 tháng, 4 tháng để có miễn dịch tốt nhất.

photo-3-1726461688894362114919-1726543575351-17265435763991731283107.png

Tiêm vắc-xin viêm gan B đủ mũi, đúng lịch là "chìa khóa" bảo vệ sức khỏe trẻ tốt nhất. Ảnh: Shutterstock

 Theo WHO, tiêm đủ mũi vắc-xin viêm gan B tạo miễn dịch ngừa virus viêm gan B hiệu quả đến 98%, khả năng bảo vệ ít nhất 20 năm và có thể suốt đời.

Hiện nay, Việt Nam đang có các loại vắc-xin chứa thành phần ngừa viêm gan B và các bệnh truyền nhiễm khác trong cùng một mũi tiêm gồm vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1. Trong đó, vắc-xin 6 trong 1 là loại vắc-xin ngừa nhiều bệnh nhất trong một mũi tiêm. Có hai loại vắc-xin 6 trong 1 gồm dạng pha sẵn hoặc dạng qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm, cả hai loại đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chủng ngừa.

"Viêm gan B chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và gánh nặng bệnh tật lớn, trẻ có lá gan non nớt nên mắc bệnh thì biến chứng càng nặng. Tiêm vắc-xin sớm ngừa sớm, tiêm trễ ngừa trễ và trễ còn hơn không là ba điều quan trọng cần ghi nhớ khi tiêm vắc-xin viêm gan B", BS Chính nhấn mạnh.

 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022